Tài liệu Thời đại Đá cũ và dấu vết người Vượn ở Việt Nam

Trong buổi bình minh của lịch sử, Việt Nam là một trong những quê hương của loài người. Người ta đã phát hiện thấy người vượn ở Bình-Gia (Lạng Sơn), nhiều công cụ thuộc buổi đầu thời kỳ đồ đá cũ ở núi Đọ, núi Quan Yên (Thanh Hoá). Đó là dấu vết xưa nhất hiện nay ta biết về giai đoạn bầy người nguyên thủy trên đất nước ta.Thời ấy cách ngày nay hàng mấy chục vạn năm.

Bấy giờ, mực nước biển Đông thấp gần trăm mét so với ngày nay. Vì vậy, đất nước ta khi ấy qua bán đảo Ma-lai-xi-a còn nối liền với các đảo Gia-va, Xu-ma-tơ-ra, Ca-li-man-tan của In-đô-nê-xi-a. Các kết quả nghiên cứu địa chất và khí hậu học còn cho biết trong thời kỳ này xen kẽ những kỳ khô hạn là những kỳ mưa nhiều khiến khí hậu Việt Nam ẩm và mát hơn bây giờ một chút. Trong rừng rậm, trên thảo nguyên, có nhiều đàn voi răng kiếm, gấu mèo, tê ngưu, lợn lòi, hổ, báo, hươu, nai, đười ươi, vượn, khỉ, cầy, chồn.sinh sống. Những bầy người nguyên thuỷ sống dựa vào hang đá, lùm cây, đi dọc bờ suối, bờ sông tìm kiếm thức ăn bằng hái lượm và săn bắt.

Người ta đã phát hiện được ở núi Đọ hàng vạn công cụ đồ đá cũ; người Việt cổ khai thác đá gốc (ba-dan) ở sườn núi, ghè đẽo thô sơ, tạo nên những công cụ chặt, rìu tay, nạo.bỏ lại nơi chế tác những mảnh đá vỡ, thuật ngữ khảo cổ gọi là mảnh tước. Với những đồ đá đó, người nguyên thủy có thể chặt cây, vót gậy tre, lao gỗ, xẻ thịt, đập vỡ xương thú săn bắt được. Loại hình công cụ nghèo nàn, kỹ thuật ghè đẽo thô sơ là đặc điểm của thời kỳ đồ đá cũ. Di tích núi Đọ là bằng chứng về sự có mặt của những chủ nhân sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam vào thời kỳ tổ chức xã hội loài người đang hình thành.

 

doc 11 trang cucpham 15660
Bạn đang xem tài liệu "Tài liệu Thời đại Đá cũ và dấu vết người Vượn ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tài liệu Thời đại Đá cũ và dấu vết người Vượn ở Việt Nam

Tài liệu Thời đại Đá cũ và dấu vết người Vượn ở Việt Nam
Thời đại Đá cũ và dấu vết Người Vượn ở Việt Nam 
Thời đại Đá cũ và dấu vết Người Vượn ở Việt Nam 
Trong buổi bình minh của lịch sử, Việt Nam là một trong những quê hương của loài người. Người ta đã phát hiện thấy người vượn ở Bình-Gia (Lạng Sơn), nhiều công cụ thuộc buổi đầu thời kỳ đồ đá cũ ở núi Đọ, núi Quan Yên (Thanh Hoá). Đó là dấu vết xưa nhất hiện nay ta biết về giai đoạn bầy người nguyên thủy trên đất nước ta.Thời ấy cách ngày nay hàng mấy chục vạn năm. 
Bấy giờ, mực nước biển Đông thấp gần trăm mét so với ngày nay. Vì vậy, đất nước ta khi ấy qua bán đảo Ma-lai-xi-a còn nối liền với các đảo Gia-va, Xu-ma-tơ-ra, Ca-li-man-tan của In-đô-nê-xi-a. Các kết quả nghiên cứu địa chất và khí hậu học còn cho biết trong thời kỳ này xen kẽ những kỳ khô hạn là những kỳ mưa nhiều khiến khí hậu Việt Nam ẩm và mát hơn bây giờ một chút. Trong rừng rậm, trên thảo nguyên, có nhiều đàn voi răng kiếm, gấu mèo, tê ngưu, lợn lòi, hổ, báo, hươu, nai, đười ươi, vượn, khỉ, cầy, chồn...sinh sống. Những bầy người nguyên thuỷ sống dựa vào hang đá, lùm cây, đi dọc bờ suối, bờ sông tìm kiếm thức ăn bằng hái lượm và săn bắt. 
Người ta đã phát hiện được ở núi Đọ hàng vạn công cụ đồ đá cũ; người Việt cổ khai thác đá gốc (ba-dan) ở sườn núi, ghè đẽo thô sơ, tạo nên những công cụ chặt, rìu tay, nạo...bỏ lại nơi chế tác những mảnh đá vỡ, thuật ngữ khảo cổ gọi là mảnh tước. Với những đồ đá đó, người nguyên thủy có thể chặt cây, vót gậy tre, lao gỗ, xẻ thịt, đập vỡ xương thú săn bắt được... Loại hình công cụ nghèo nàn, kỹ thuật ghè đẽo thô sơ là đặc điểm của thời kỳ đồ đá cũ. Di tích núi Đọ là bằng chứng về sự có mặt của những chủ nhân sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam vào thời kỳ tổ chức xã hội loài người đang hình thành. 
Cách ngày nay khoảng ba, bốn vạn năm, vào thời kỳ bộ tộc nguyên thuỷ, cư dân bản địa đã đông đúc hơn. Người ta đã phát hiện được dấu tích con người cùng với những hóa thạch động vật cổ ở hang Hùm (Yên Bái), hàng Thung Lân (Ninh Bình). Đó là những thị tộc, bộ lạc sống trong hang động miền núi đá vôi. Tuy nhiên, cũng đã có những thị tộc, bộ lạc tiến ra sinh sống ở miền đồi trung du vốn là miền phù sa cổ của sông Hồng với rừng rậm phủ dày. Những hiện vật đá cuội ghè đẽo thô sơ thuộc cuối thời đại đồ đá cũ hoặc đầu thời đại đồ đá giữa tìm thấy ở di chỉ Sơn Vi (Phú Thọ) là những minh chứng chắc chắn cho giả thuyết này. 
Văn hóa đá cuội ghè được tiếp nối với hai nền văn hóa Hòa Bình (thuộc thời đại đồ đá giữa) và văn hóa Bắc Sơn (thuộc buổi đầu thời đại đồ đá mới) cách ngày nay khoảng một vạn năm. Ở các nền văn hoá này, bên cạnh kỹ thuật chẻ đẽo, người nguyên thủy đã phát minh kỹ thuật mài, tạo nên những chiếc rìu Bắc Sơn (rìu tứ giác mài lưỡi) nổi tiếng. Văn hóa Bắc Sơn là một trong những di chỉ văn hóa có rìu mài sớm trên thế giới. Cũng trong thời kỳ này người ta còn phát hiện được những đồ gốm đầu tiên được nặn bằng tay. 
Việt Nam là đất nước của hàng trăm loại tre, nứa. Tre, nứa đóng vai trò rất quan trọng trong nền văn hóa nguyên thủy cũng như trong đời sống người Việt Nam sau này. Chúng được dùng làm gậy, lao, cung tên, đồ đan lát, thừng bện... Do bị thời gian huỷ hoại nên đến nay không còn chứng tích công cụ tre, nứa của người Việt cổ; tuy nhiên ta vẫn có thể tìm thấy dấu vết của tre, nứa trên các hoa văn đồ gốm sơ kỳ. 
Cùng những thị tộc, bộ lạc ở miền núi, trung du trên đất nước Việt Nam khi ấy, còn có những tập đoàn người nguyên thủy sinh sống ở miền ven biển Đông. Họ là chủ nhân của các nền văn hóa Quỳnh Văn (Nghệ An), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Trải qua mấy nghìn năm, đống vỏ sò điệp do họ vứt ra sau những bữa ăn đã chất cao thành gò, rộng hàng trăm mét vuông. Người nguyên thủy sinh sống ở ven bờ biển còn khai thác đá gốc (thạch anh) làm công cụ. Họ chôn người chết trong những mộ huyệt tròn đào giữa đống sò điệp và chôn theo người chết một vài công cụ đá, đồ trang sức bằng vỏ ốc xuyên lỗ... 
Với đồ đá, đồ tre gỗ, đồ đựng bằng đất nung, các thị tộc nguyên thủy đi săn và hái lượm có hiệu quả hơn. Ngoài việc mò cua, bắt ốc, chủ nhân các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn còn săn được nhiều thú như lợn rừng, hươu nai, trâu bò rừng, tê ngưu, voi... Chủ nhân các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Quỳnh Văn đã biết nuôi chó, trồng một số cây ăn quả, cây cỏ củ, rau đậu, dưa... . Từ cuộc sống hái lượm những sản vật sẵn có của tự nhiên, người nguyên thủy Việt Nam sớm bước vào cuộc sống sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh nghề săn, nghề đánh cá phát đạt, nghề nông đã ra đời cùng với việc chăn nuôi gia súc nhất là trên các vùng châu thổ của các con sông lớn.
Nhiều nhà nông học khẳng định bán đảo Đông Dương là quê hương của cây lúa. Ở đây có nhiều loại lúa hoang hiện còn tồn tại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, bà con trong vùng thường gọi là lúa ma hoặc lúa trời. Dấu vết con người thời kỳ nguyên thủy có thể tìm thấy ở mọi miền trên đất nước Việt Nam từ vùng cực Bắc đến cực Nam. Họ để lại những di tích hang động và di tích ngoài trời ở miền núi, đồng bằng kể cả ở những vùng đất thấp sình lầy Nam Bộ trước khi hình thành nhà nước Việt Nam đầu tiên. Như vậy là vào thời đại đồ đá, trên nhiều vùng ở nước ta đã xuất hiện những nền văn hóa nguyên thủy đặc sắc, trong đó bên cạnh nền kinh tế hái lượm đã bắt đầu phát triển nền kinh tế sản xuất nông nghiệp lúa nước.
Con người đã xuất hiện khá sớm trên đất Việt Nam. Cho đến nay, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của người vượn Homo erectus trong một số hang động ở Lạng Sơn và Nghệ An. Ðặc biệt là ở hậu kỳ thời đá cũ (văn hoá Sơn Vi cách ngày nay 10.000 - 23.000 năm), con người đã phân bố khá rộng và khá đông trên đất Việt Nam. 
Văn hoá Sơn Vi
Văn hoá Sơn Vi mang tên xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ, do các nhà khảo cổ Việt Nam phát hiện và xác lập danh pháp vào năm 1968. Đến nay, hơn 140 địa điểm VHSV được phát hiện, phân bố chủ yếu trên các đồi gò trung du, một số di tích hang động Bắc Việt Nam. Công cụ đều làm từ đá cuội sông suối, ghè đẽo một mặt là chính, vết ghè trên một rìa cạnh tạo ra công cụ mũi nhọn, rìa lưỡi dọc, rìa lưỡi ngang, phần tư viên cuội, hai hoặc ba rìa; cùng với một số công cụ mảnh tước kém định hình. Cư dân VHSV chưa biết đến kĩ thuật mài công cụ đá và làm gốm, hoạt động kinh tế chủ yếu là săn bắn và hái lượm, chưa biết trồng trọt và chăn nuôi. VHSV có niên đại cuối Cánh Tân (Late Pleistocene), tồn tại trong khoảng từ 23.000 đến 11.000 năm cách ngày nay. VHSV khác văn hoá Hoà Bình, có trước văn hoá Hoà Bình và phát triển sang văn hoá Hoà Bình, thuộc hậu kì thời đại đá cũ. (Xem hình) .
Sự hình thành Nhà nước đầu tiên – Nhà nước Văn Lang 
 Sự hình thành Nhà nước đầu tiên – Nhà nước Văn Lang  
1. Những biến chuyển về kinh tế xã hội
Từ thời kỳ Phùng Nguyên trải qua giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn, do kỹ thuật luyện kim ngày càng phát triển đến hoàn hảo, nên công cụ bằng đồng thau dần dần thay thế hẳn công cụ bằng đá. 
Ở giai đoạn đầu, giai đoạn Phùng Nguyên, công cụ bằng đá còn chiếm ưu thế, nền kinh tế còn mang tính chất nguyên thuỷ. Đến giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun và nhất là Đông Sơn, nhiều loại hình công cụ bằng đồng ra đời và ngày càng phong phú, đa dạng như lưỡi cuốc, lưỡi cày, lưỡi thuổng, xẻng, rìu, v.v.. Mỗi loại công cụ sản xuất cũng có các kiểu dáng khác nhau. Trong khoảng 200 chiếc lưỡi cày bằng đồng có tới 4 kiểu dáng, đó là lưỡi cày hình tam giác có họng tra cán to khoẻ được phân bố ở dọc sông Thao, lưỡi cày hình thoi, hình bầu dục được phân bố ờ vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng sông Mã, lưỡi cày hình xẻng vai ngang được phân bố ở vùng làng Vạc. Cuốc cũng bao gồm nhiều kiểu như lưỡi cuốc có lỗ tra cán, cuốc hình tam giác, cuốc có vai, cuốc hình chữ U, cuốc hình quạt, lưỡi rìu gồm có rìu hình chữ nhật, hình tứ diện lưỡi xoè, hình lưỡi xéo, hình bàn chân, hình lưỡi lệch, ngoài ra còn có lưỡi liềm đồng, công cụ lao động bằng sắt. 
Sự tiến bộ của công cụ sản xuất bằng đồng đã có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế ngày càng phát triển, đạt đến một trình độ khá cao. Nền kinh tế bao gồm nhiều ngành, nghề, trong đó nông nghiệp trồng lúa nước chiếm địa vị chủ đạo, phổ biến rộng rãi khắp lãnh thổ từ trung du, đồng bằng đến ven biển.
Với việc chế tạo ra lưỡi cày, nông nghiệp dùng cày đã thay thế nông nghiệp dùng cuốc, đánh dấu bước phát triển mới, mạnh mẽ trong nền kinh tế thời Hùng Vương. Việc nhiều loại hình công cụ sản xuất bằng đồng ra đời còn chứng tỏ bước tiến về kỹ thuật canh tác của cư dân bấy giờ. Nông nghiệp dùng cày là nguồn cung cấp lương thực chính nuôi sống xã hội, trở thành cơ sở chủ yếu của mọi hoạt động khác. 
Những di cốt trâu bò nuôi tìm thấy trong cùng một di tích văn hoá Đông Sơn, hình bò khắc hoạ trên mặt trống đồng là bằng chứng cư dân Hùng Vương đã sử dụng trâu bò làm sức kéo trong nông nghiệp dùng cày. Những dấu tích thóc gạo, những công cụ gặt hái tìm thấy ở các di chỉ thuộc văn hoá Đông Sơn chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của nghề trồng lúa nước thời Hùng Vương.
Sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước đòi hỏi công tác trị thuỷ, thuỷ lợi, khai khẩn đất đai, mở rộng diện tích canh tác. Đã có một số tài liệu cho thấy cư dân bấy giờ đã biết sử dụng biện pháp tưới, tiêu, "tưới ruộng theo nước triều lên xuống".
Với những công cụ bằng kim khí, cư dân Đông Sơn đã mở rộng địa bàn cư trú, đẩy mạnh công cuộc khai khẩn đất đai, chinh phục vùng đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Cư dân đương thời đã trồng lúa trên các loại ruộng nước,bãi và nương rẫy với những hình thức canh tác phù hợp với địa hình và đất đai từng vùng. Lúa gồm có lúa tẻ và lúa nếp.Ngoài trồng lúa nước là chủ yếu, người đương thời còn phát triển nghề làm vườn, trồng rau củ, cây ăn quả để làm phong phú nguồn lương thực. Khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của các loại bầu bí, đậu, khoai, sắn. Thu hoạch trong nông nghiệp ngày càng cao. Sự tích "bánh dày bánh chưng" đã nói lên bước phát triển của nền nông nghiệp trồng lúa thời đó. Sử cũ của Trung Quốc cho biết vào năm 111 trước CN, sứ giả nhà Triệu đã cống cho tướng Hán là Lộ Bác Đức 1000 hũ rượu,100 con bò. Sự kiện đó cũng chứng tỏ sự phát triển nói trên.
Cùng với nông nghiệp, chăn nuôi, ... chiến tranh thôn tính, tiêu diệt lẫn nhau mà là một sự hợp nhất cư dân và đất đai của Lạc Việt và Tây Âu, của vua Hùng và vua Thục. Vì vậy, nước Âu Lạc là một bước phát triển mới, kế tục và cao hơn nước Văn Lang. Nước Âu Lạc của An Dương Vương chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn (khoảng gần 30 năm, từ năm 208 đến năm 179 tr.CN) (1), nhưng nó cũng đã có những đóng góp to lớn vào trong tiến trình phát triển của lịch sử đất nước. 
Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội thời Âu Lạc đều tiếp tục phát triển trên cơ sở những thành tựu đã đạt được của nước Văn Lang trước đây. Văn hóa Đông Sơn vẫn là cơ sở văn hóa chung của nước Văn Lang và Âu Lạc. Do yêu cầu bức thiết của cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, trong thời Âu Lạc, kỹ thuật quân sự có những tiến bộ vượt bậc. Đó là việc sáng chế ra nỏ Liên Châu bắn một lần nhiều phát tên, được coi là loại vũ khí mới, lợi hại (mà dân gian gọi là nỏ thần) và việc xây dựng kinh đô Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), hình ảnh tập trung sự phát triển nhiều mặt của nước Âu Lạc. 
Cổ Loa nằm trên bờ bắc sông Hoàng. Ngày xưa Hoàng Giang là một dòng sông lớn nối liền với sông Hồng và sông Cầu, tức là từ Cổ Loa có thể thông ra cả hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình để đi đến mọi miền đất nước lúc đó. Cổ Loa ở giữa vùng đồng bằng đông dân, kinh tế phát đạt, lại được xây dựng trên một vùng đất đã được khai phá có xóm làng cư trú từ lâu đời, liên tục từ Sơ kỳ đồng thau cho đến Sơ kỳ đồ sắt. Việc dời đô về Cổ Loa với vị trí địa lý, giao thông, kinh tế như vậy chứng tỏ một yêu cầu phát triển mới của nước Âu Lạc. 
Theo di tích còn lại, thành Cổ Loa gồm 3 vòng thành khép kín là thành Nội, thành Trung và thành Ngoại. Thành Nội hình chữ nhật có chu vi 1650 mét, cao khoảng 5 mét, rộng khoảng từ 6 đến 12 mét và chỉ mở 1 cửa ở phía nam. Tương truyền đấy chính là nơi thiết triều của vua Thục. Thành Trung là một vòng thành khép kín bao phía ngoài thành Nội với chu vi 6500 mét, có 5 cửa là Bắc, Đông, Nam, Tây Bắc và Tây Nam, trong đó cửa Đông là một cửa đường thủy mở lối cho một nhánh sông Hoàng chảy vào sát thành Nội. Thành Ngoại dài khoảng 8000 mét có 3 cửa Bắc, Đông và Tây Nam, trong đó cửa Đông là cửa thông ra sông Hoàng. Cả ba vòng thành đều có ngoại hào nối với nhau và nối liền với sông Hoàng tạo thành một mạng lưới giao thông đường thủy rất tiện lợi. Ngoài 3 vòng thành và hào khép kín, khoảng giữa các vòng thành và phía ngoài thành Ngoại còn có nhiều đoạn lũy và ụ đất được bố trí và sử dụng như những "công sự" phòng vệ nằm trong cấu trúc chung của thành. 
Thành Cổ Loa với những di tích hiện còn là công trình lao động đồ sộ một kỳ công của người Việt cổ trong buổi đầu dựng nước, khi dân số Âu Lạc thuở đó mới khoảng 1 triệu người. Cấu trúc và kỹ thuật xây dựng thành Cổ Loa biểu thị tài năng sáng tạo của nhân dân Âu Lạc. Đây là một kiến trúc quân sự kiên cố được phòng vệ chắc chắn, kết hợp chặt chẽ giữa quân bộ và quân thủy. Thành Cổ Loa còn biểu thị một bước phát triển mới của Nhà nước Âu Lạc, của quyền lực xã hội và sự phân hóa xã hội. Tất nhiên di tích thành Cổ Loa hiện nay có phải hoàn toàn chỉ là tòa hình thời An Dương Vương hay nó còn được tu bổ, bồi đắp, xây dựng thêm trong các đời sau. Phân biệt một cách thật rạch ròi đâu là di tích thời An Dương Vương và đâu là di tích các thời đại sau cũng đang còn là dấu hỏi của sử học. 
Trong cuộc chiến tranh chinh phục Bách Việt, quân Tần tuy bị tổn thất nặng nề và thất bại ở Âu Lạc, nhưng đã chiếm được miền đất rộng lớn của người Việt và lập ra 4 quận là Mân Trung (Chiết Giang, Phúc Kiến, Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (bắc và đông Quảng Tây) và Quận Tượng (tây Quảng Tây và nam Quý Châu). Năm 210 tr CN, Tần Thủy Hoàng chết, đế chế Tần suy yếu, 4 quận ở phía nam trên thực tế đã thoát khỏi sự quản lý và kiểm soát của triều đình trung ương. Triệu Đà (vốn là người Hán) tranh thủ cơ hội chiếm lấy quận Nam Hải; giữ các cửa ải và chặn các đường giao thông từ bắc xuống, diệt trừ những quan lại nhà Tần có ý chống đối và thay bằng những người thân cận, cùng phe cánh lập ra chính quyền cát cứ của họ Triệu ở Phiên Ngung. Năm 205 tr CN, nhà Tần bị nhà Hán tiêu diệt, Triệu Đà lập tức đánh chiếm cả Quế tâm và Quận Tượng lập ra nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung. Triệu Đà đã lợi dụng sự sụp đổ của đế chế Tần để thực hiện mưu đồ cát cứ và lợi dụng tình trạng lộn xộn của nhà Hán khi mới thành lập để củng cố và phát triển chính quyền của mình. Buổi đầu nhà Hán chấp nhận chính quyền cát cứ của Triệu Đà, phong cho Triệu Đà làm Nam Việt Vương. Triệu Đà trên danh nghĩa thần phục nhà Hán, nhưng trong thực tế vẫn hoàn toàn nắm thực quyền và ra sức củng cố lực lượng cát cứ ở Nam Việt. Năm 183 tr CN, Triệu Đà lập thành một nước riêng, không chịu thần phục nhà Hán và đẩy mạnh các hoạt động bành trướng lãnh thổ, trong đó hướng chủ yếu là nước Âu Lạc ở phương Nam (2). Quân xâm lược nhà Triệu đã nhiều lần tiến vào Tiên Du, Vũ Ninh, sông Bình Giang (vùng Bắc Ninh ngày nay). Lực lượng quốc phòng của An Dương Vương lúc bấy giờ khá hùng mạnh với số quân đông, được huấn luyện chu đáo, có vũ khí tết với loại nỏ Liên Châu, có tòa thành Cổ Loa kiên cố. Dưới sự lãnh đạo của An Dương Vương và những tướng soái tài ba như Cao Lỗ, quân dân Âu Lạc đã nhiều lần đánh bại và đánh lui quân xâm lược Triệu Đà ở vùng núi đồi Tiên Du và Vũ Ninh. 
Sau nhiều lần tấn công thất bại, biết không thể chinh phục nước Âu Lạc bằng vũ lực, Triệu Đà quyết định thay đổi thủ đoạn xâm lược. Triệu Đà xin giảng hòa với An Dương Vương và xin cầu hôn công chúa Mỵ Châu cho con trai mình là Trọng Thủy. Lợi dụng tục ở rể của người Việt, Triệu Đà cho Trọng Thủy sang ở rể tại kinh thành Cổ Loa. Các tướng lĩnh của An Dương Vương lúc đó như Cao Lỗ, Nồi Hầu đã thấy rõ âm mưu của Triệu Đà, ra sức khuyên can nhưng ông không nghe và từng bước bị quân giặc dẫn dắt vào cạm bẫy. An Dương Vương bị lung lạc ý chí chiến đấu, tê liệt tinh thần cảnh giác, nội bộ trong triều bất hòa, chia rẽ. Nhiều tướng giỏi như Cao Lỗ, Nồi Hầu, Đinh Toán... đã bị bạc đãi, bị giết hại hay phải bỏ đi. Trong khi đó, Trọng Thủy lại lợi dụng cương vị con rể và tình yêu chân thành của Mỵ Châu để "xem trộm nỏ thần, ngầm làm máy nỏ khác, đổi móng rùa vàng giấu đi" ...., như các sách sử của Việt Nam và Trung Quốc chép. Điều này có thể được hiểu là Trọng Thủy đã đánh cắp các bí mật quân sự, làm mất uy thế, làm suy yếu lực lượng quốc phòng của nước Âu Lạc. Do những sai lầm chủ quan của mình mà An Dương Vương bị đẩy vào tình thế cô lập, xa rời nhân dân, xa rời những người cương trực và tài giỏi, khiến cho vận nước đang đứng trước bờ vực thẳm. 
Được tin báo của Trọng Thủy, Triệu Đà lập tức tiến quân xâm lược nước Âu Lạc, bất ngờ đánh thẳng vào thành Cổ Loa. Cuộc chiến đấu của An Dương Vương bị thất bại. Cơ đồ của Âu Lạc đã bị chìm đắm. Đất nước rơi vào thảm họa hơn 1000 năm bị Bắc thuộc.
Việt Nam trong bối cảnh chung của Đông Nam Á, nằm ở khu vực quê hương của loài người. Sống ở nơi gió mùa, thuộc vùng nhiệt đới ẩm, thế giới thực, động vật phong phú, đa dạng, cư dân nguyên thủy vùng này từ hái lượm và săn bắt đã sớm biết thuần hóa một số loài thực vật, phát minh ra nghề trồng trọt cách đây khoảng 1 vạn năm. Vì thế, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam lại được ghi nhận là một trong những trung tâm phát sinh nông nghiệp sớm của loài người. Vào Hậu kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng 5 - 6 nghìn năm, cư dân Việt Nam và Đông Nam Á đã từ một nền nông nghiệp sơ khai tiến lên nền nông nghiệp trồng lúa nước... Tất cả những thành tựu văn hóa tiền sử đó là những bước chuẩn bị, là tiền đề đưa lịch sử Việt Nam vào thời đại dựng nước và giữ nước đời Hùng Vương - An Dương Vương, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc về mọi mặt của tiến trình lịch sử dân tộc. 
Trong thời đại dựng nước, ta có nhiều thành tựu lớn, trong đó hai thành tựu cơ bản nhất là đã tạo dựng được một nền văn minh rực rỡ - nền văn minh Sông Hồng và hình thái Nhà nước sơ khai - Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc . Những thành tựu này không chỉ là những bằng chứng hùng hồn xác nhận thời đại Hùng Vương - An Dương Vương là những thời đại có thật mà còn chứng minh rằng chúng ta có một lịch sử dựng nước sớm, một nền văn hiến lâu đời; tạo ra nền tảng bền vững cho toàn bộ sự sinh tồn và phát triển của quốc gia dân tộc Việt Nam. Từ đấy, người Việt trên cơ sở một lãnh thồ chung, một tiếng nói chung, một cơ sở kinh tế - xã hội gắn bó trong một thể chế Nhà nước sơ khai, một lối sống mang sắc thái riêng, biểu thị trong một nền văn minh, văn hóa chung, đã tự khẳng định sự tồn tại của mình như một quốc gia văn minh có đủ điều kiện và khả năng vững vàng tiến lên vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo của thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử thời kỳ hơn 1000 năm thống trị của phong kiến phương Bắc.
----------
(1): Về thời gian tồn tại của nước âu Lạc cho đến nay vẫn còn các ý kiến khác nhau, Theo sách Đại Việt sử kí toàn thư thì Thục Phán lập ra nước Âu Lạc vào năm 257 tr.CN và ở ngôi 50 năm (đến năm 208 tr.CN). Sách Việt sử thông giám cương mục thế kỷ XIX đã chỉ ra sự bất hợp lý trong những ghi chép trên của ĐVSKTT. Thục Phán không phải người Tứ xuyên (Trung Quốc) mà là tù trưởng bộ lạc Tây âu ở vùng Việt Bắc - Tây Bắc nước ta và cuộc kháng chiến chống Tần của người Tây Âu - Lạc Việt chỉ  diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 214 tr.CN  đến 208 tr.CN. Nước âu Lạc ra đời trên cơ sở thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tần, nên có thể lấy mốc mở đầu là năm 208 tr.CN. Sách Sử ký chép rằng, sau khi Cao Hậu chết (180 tr.CN), Triệu Đà mới chiếm được nước âu Lạc, nên chúng tôi cho rằng thời điểm kết thúc nước Âu Lạc vào khoảng năm 179 tr.CN. 
 (2): Có ý kiến cho rằng Nhà Triệu là triều đại mở đầu nghiệp đế vương của nước ta. Thực tế, Triệu Đà là người huyện Châu Định (Trung Quốc), lập ra một triều đình  cát cứ trên đất Trung  Quốc và thôn tính nước Âu Lạc, nên không thể coi là triều đình đại diện của nước Âu Lạc, càng không phải là đại diện chung của khối cộng đồng cư dân sống trên đất Văn Lang – Âu Lạc..
Nguồn:Nguyễn Quang Ngọc 2006, Chương I - Việt Nam từ thời tiền sử đến thời dựng nước, Tiến trình Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Giáo Dục, Tr.30 – 35.

File đính kèm:

  • doctai_lieu_thoi_dai_da_cu_va_dau_vet_nguoi_vuon_o_viet_nam.doc