Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V05.PG7 - Năm học 2016-2017 (Có đáp án)
Phần I: Đọc hiểu (6,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“ Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim ríu rít. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ: hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi, hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh, tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen, . đàn đàn lũ lũ bay đi bay về, lượn lên lượn xuống. Chúng gọi nhau trò chuyện, trêu ghẹo và tranh cãi nhau, ồn mà vui không thể tưởng tượng được. Ngày hội mùa xuân đấy.”
(Vũ Tú Nam)
Câu a. Từ chúng trong đoạn văn thay thế cho những sự vật nào ? Nó thuộc phép liên kết nào đã học ?
Câu b. Hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của các phép so sánh trong đoạn văn trên.
Câu c. Cuộc sống của con người luôn gắn liền với thiên nhiên thế nhưng có một số người lại đang tàn phá thiên nhiên đặc biệt là săn bắt các động vật hoang dã, trong đó có các loài chim để phục vụ cho lợi ích riêng của mình. Theo em làm thế nào để không còn hiện tượng săn bắt chim muông ? ( Trình bày trong một đoạn văn ngắn khoảng nửa trang giấy thi ).
Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V05.PG7 - Năm học 2016-2017 (Có đáp án)
MÃ KÝ HIỆU . ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 Năm học: 2016 - 2017 MÔN: Ngữ văn Thời gian làm bài: 150 phút không kể thời gian giao đề ( Đề thi gồm 02 phần, 04 câu, 01 trang) Phần I: Đọc hiểu (6,0 điểm) Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới: “ Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim ríu rít. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ: hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi, hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh, tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen, ... đàn đàn lũ lũ bay đi bay về, lượn lên lượn xuống. Chúng gọi nhau trò chuyện, trêu ghẹo và tranh cãi nhau, ồn mà vui không thể tưởng tượng được. Ngày hội mùa xuân đấy.” (Vũ Tú Nam) Câu a. Từ chúng trong đoạn văn thay thế cho những sự vật nào ? Nó thuộc phép liên kết nào đã học ? Câu b. Hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của các phép so sánh trong đoạn văn trên. Câu c. Cuộc sống của con người luôn gắn liền với thiên nhiên thế nhưng có một số người lại đang tàn phá thiên nhiên đặc biệt là săn bắt các động vật hoang dã, trong đó có các loài chim để phục vụ cho lợi ích riêng của mình. Theo em làm thế nào để không còn hiện tượng săn bắt chim muông ? ( Trình bày trong một đoạn văn ngắn khoảng nửa trang giấy thi ). Phần II: Tạo lập văn bản (14,0 điểm) Phân tích làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp qua hai nhân vật: Lão Hạc trong tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao và ông Hai trong tác phẩm “Làng” của Kim Lân. Từ đó nêu suy nghĩ của em về lòng yêu nước của người nông dân trong thời đại ngày nay. ..Hết MÃ KÝ HIỆU . HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 Năm học: 2016 - 2017 MÔN: Ngữ văn Thời gian làm bài: 150 phút không kể thời gian giao đề ( Hướng dẫn chấm gồm 02 phần, 04 câu , 04 trang ) Phần I: Đọc hiểu (6,0 điểm) Câu a. Từ chúng trong đoạn văn thay thế cho chào mào, sáo sậu, sáo đen. ( 0,5 điểm) - Thuộc phép liên kết: phép thế. ( 0,5 điểm) Câu b. Chỉ ra phép tu từ so sánh: ( 0,75 điểm) + cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ, + hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng, + hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh. - Phân tích tác dụng: ( 1,75 điểm) + Cây gạo hiện lên sừng sững, cao lớn, thắp sáng cả một góc trời mùa xuân. + Những bông hoa gạo nở rộ, màu sắc rực rỡ như đốt cháy cả không gian. + Những chồi non ( búp nõn) của cây gạo hiện lên với những hình dáng cụ thể cùng với màu xanh nõn nà tràn đầy sức sống. + Nghệ thuật so sánh được sử dụng liên tiếp trong đoạn văn không chỉ làm cho lời văn sinh động, gợi cảm, câu văn trở nên cân đối, hài hòa mà còn gợi tả rõ nét vẻ đẹp của cây gạo về mùa xuân: cao lớn, rực rỡ, tràn đầy sức sống mãnh liệt. Đằng sau đó, ta cảm nhận được con mắt quan sát tinh tế, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống.... tha thiết của nhà văn. Đoạn văn khơi dậy ở mỗi người tình yêu thiên nhiên, cuộc sống... Câu c. ( 2,5 điểm) - Vận dụng sự hiểu biết xã hội học sinh trình bày ý kiến của mình bằng một đoạn văn có bố cục đủ ba phần ( mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn); diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi về ngữ pháp. ( 0,5 điểm) - Gợi ý trả lời: ( 2,0 điểm) + Cuộc sống của con người, lợi ích của con người luôn gắn bó với thiên nhiên, với các loài động vật hoang dã vì vậy cần phải bảo vệ các loài động vật hoang dã, trong đó có các loài chim hoang dã. + Cần tạo điều kiện cho chim chóc có môi trường sống phù hợp, ổn định ( không khai thác rừng núi một cách bừa bãi, phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng cây có lợi cho chim muông) + Có chế tài sử phạt nghiêm khắc đối với những kẻ, những tổ chức săn bắt chim muông trái phép Kêu gọi mọi người không sử dụng, chế biến các món ẩm thực từ các loài chim hoang dã + Động viên, khuyến khích, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có công trong việc bảo vệ động vật hoang dã, chim muông; có công trong việc phát hiện, ngăn chặn những kẻ, những tổ chức săn bắt chim muông trái phép Phần II: Tạo lập văn bản (14,0 điểm) I . Yêu cầu về hình thức: Học sinh biết làm đúng kiểu bài tích hợp nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Bài viết có đủ 3 phần ( mở bài, thân bài, kết bài ); kết cấu chặt chẽ; hệ thống luận điểm rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, lưu loát; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp II. Yêu cầu về nội dung: Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách nhưng cần đạt được các ý sau: 1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận. 2. Phân tích hai nhân vật: Lão Hạc trong tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao và ông Hai trong tác phẩm “Làng” của Kim Lân. a. Giới thiệu đề tài và hoàn cảnh sáng tác của hai tác phẩm. b.Vẻ đẹp chung của người nông dân trong hai tác phẩm: * Cần cù chịu khó, một đời chăm lo làm ăn. - Lão Hạc: Khi còn sức lực thì cày thuê , cuốc mướn, khi già yếu vẫn đem chút hơi tàn còn lại để kiếm sống “ Lão làm thuê kiếm ăn.. .cũng có được hơn trăm đồng bạc”. - Ông Hai phải xa làng chợ Dầu đi tản cư, vẫn hăng hái lao động “ ông hì hục vỡ một vạt đất nằm ngoài bờ sắn... những tháng đói sang năm”. * Có lòng nhân ái cao cả, có phẩm chất, lương tâm trong sạch: - Lão Hạc yêu thương con, vì nghèo không có tiền mà con trai lão không lấy được vợ, phải bỏ nhà, bỏ quê đi làm ăn xa. Lão luôn lo cho con, để dành tiền cho con, dù đau ốm, khó khăn thiếu thốn đến mức nhịn ăn nhưng quyết không tiêu vào tiền hoa lợi từ mảnh vườn để dành cho con. Yêu quý loài vật: yêu thương cậu Vàng (con chó) như đứa con đặc biệt của mình. Lão là người nghèo khổ nhưng tự trọng: Gửi tiền ông giáo lo hậu sự cho mình để lúc nằm xuống khỏi phải phiền lụy đến dân làng. Lão thà chết để giữ trọn 3 sào vườn cho con trai. .. - Ông Hai cũng là người yêu thương con, yêu thương làng chợ Dầu “ hai bố con nằm bên nhau... vỗ nhẹ lên lưng nó..”. Ông buồn đau khi nghe tin làng chợ Dầu theo Tây “Làng thì yêu thât... phải thù”.. c. Vẻ đẹp riêng của nhân vật trong mỗi giai đoạn lịch sử: + Lão Hạc sống trong thời kỳ trước cách mạng tháng Tám. Cuộc đời lão từ khi vợ chết, chịu nhiều cơ cực, đau khổ. Là người nông dân nghèo, một mình nuôi con. Cái nghèo đói làm cuộc đời lão càng thêm tăm tối, bất hạnh. Lão ân hận khổ sở vì không có tiền cho con lấy vợ. Lão lo tiền cho con, lo tiền làm ma cho mình lúc chết hơn là lo cho cuộc sống hàng ngày của mình. Lão chọn đến cái chết, một cái chết đau đớn, vật vã về thể xác (ăn bả chó tự tử) để giữ lương tâm và phẩm giá trong sạch của mình. + Ông Hai nghèo khổ trong kháng chiến chống Pháp. Cách mạng đã đem đến cho ông sự suy nghĩ và hành động mới. Được sống trong tự do, đựoc làm chủ, thoát khỏi sự áp bức nặng nề của chế độ thực dân phong kiến. Ông hể hả, vui mừng tự tin và hiểu rõ trách nhiệm của mình trước làng xóm, trước cách mạng. Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân, một người nông dân thuần khiết như bao người nông dân Việt Nam khác mang trong mình tình yêu làng quê thật giản dị mà sâu sắc. Ông thường hay nói về nó, kể về nó với một tâm trạng háo hức say mê : Một ngôi làng với phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa , rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh cáo bằng ngọn tre, nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh, đường làng lát toàn đá xanh, cái sinh phần to đẹp của viên tổng đốc làng mình... và tự hào hơn bao giờ hết là làng ông đã theo kháng chiến những ngày đánh Tây gian khổ mà vui. Đó là cái làng mà cả giới phụ lão cũng vác gậy đi tập một hai trong những ngày khởi nghĩa dồn dập, cái làng với nhiều ụ, nhiều giao thông hào chuẩn bị cho kháng chiến ... Và khi phải đi tản cư rồi, ông vẫn bồi hồi không yên, luôn lắng nghe tin tức ở cái làng thân yêu của mình trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ông đã xấu hổ, đau xót, căm giận khi nghe tin làng mình theo Tây “ cổ ông nghẹn đắng” “ nước mắt trào ra”.... Và ông cũng thật hả hê, vui mừng, đi khoe khi được tin cải chính làng ông không theo Tây, làng ông bị tàn phá, nhà ông bị đốt. Nhưng đó là sự hi sinh mất mát đầy tự hào, mãn nguyện vì đó là làng kháng chiến, làng yêu nước. Ông vui mừng hả hê khi hiểu rõ sự tình... Hình ảnh một người nông dân gắn bó với quê hương, yêu làng, yêu cuộc sống, yêu nước, yêu Cụ Hồ và hăng hái kháng chiến... => Khái quát, mở rộng: Người nông dân Việt Nam ở hai thời kỳ đều mang những nét đẹp đặc trưng tiêu biểu cho truyền thống nông dân Việt Nam. Đó là phẩm chất cần cù chịu khó, chăm chỉ lương thiện và giàu lòng nhân ái. Yêu nước, yêu quê hương (làng mình, mảnh vườn...). Cả hai nhân vật ông Hai và lão Hạc đều là những nông dân nghèo, chưa có nhận thức đầy đủ về giai cấp trước Cách mạng. Sau Cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp, người nông dân dưới ánh sáng Cách mạng đã tin và đi theo Đảng, theo Cách mạng, tham gia kháng chiến . Vẻ đẹp ấy càng đẹp hơn bao giờ hết là tình yêu làng, yêu nước gắn với cách mạng và kháng chiến, không thoả hiệp với kẻ thù, không đội trời chung với kẻ thù là Việt gian và bọn Tây xâm lược. d. Đánh giá chung: - Dù viết về người nông dân ở giai đoạn nào thì cả hai nhà văn đều làm nổi bật vẻ đẹp của người nông dân truyền thống: Cần cù, chăm chỉ, hiền lành, chất phác. Họ cũng là những con người giàu tình yêu thương, có lòng nhân ái đáng kính trọng... - Vẻ đẹp phẩm chất tâm hồn của lão Hạc, ông Hai là vẻ đẹp tiêu biểu của những người nông dân xưa. e. Suy nghĩ của em về lòng yêu nước của người nông dân trong thời đại ngày nay. - Khẳng định nông dân là một lực lượng đông đảo nhất trong xã hội. - Người nông dân trong thời đại ngày nay vừa mang nét đẹp truyền thống ( giàu tình yêu thương, giàu đức hi sinh, có lòng yêu nước nồng nàn) vừa mang nét đẹp hiện đại ( hiểu biết, ham học hỏi; dám nghĩ, dám làm) - Biểu hiện cụ thể lòng yêu nước của người nông dân trong thời đại ngày nay: + Biết phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của những người nông dân đi trước. + Tự học để nâng cao nhận thức cách mạng, lí tưởng cách mạng; nâng cao hiểu biết, am hiểu về công việc mình làm + Tích cực tham gia các hoạt động xã hội. + Sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân, hi sinh thời gian công sức vì lợi ích chung của mọi người, của toàn xã hội. + Động viên người thân thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tạo điều kiện cho người thân thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ khi tổ quốc yêu cầu. - Ý nghĩa của lòng yêu nước của người nông dân trong thời đại ngày nay: là tấm gương sáng cho sự hi sinh, sự cống hiến; làm cho gia đình đầm ấm, hạnh phúc; góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. - Liên hệ bản thân. 3. Khái quát vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, ý nghĩa của lòng yêu nước của người nông dân trong thời đại ngày nay. 4. Cho điểm: - Điểm 13,0 – 14,0: Đáp ứng tốt những yêu cầu trên, có sáng tạo trong quá trình nghị luận và trình bày vấn đề. Biểu cảm chân thành, tự nhiên, thuyết phục. - Điểm 11,0– 12,0: Bài viết có hệ thống luận điểm rõ ràng. Đáp ứng tương đối tốt những yêu cầu về nội dung, vẫn còn có ý chưa sâu sắc. Mắc lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, diễn đạt. - Điểm 8,0 - 9,0 : Đáp ứng 2/3 yêu cầu trên. Mắc lỗi về chính tả, dùng từ, diễn đạt. - Điểm 6,0 – 7,0: Bài viết chưa sâu, chưa làm nổi bật được vẻ đẹp chung, vẻ đẹp riêng của nhân vật, chưa khái quát được ý nghĩa của hình tượng nhân vật, ý nghĩa của lòng yêu nước. Nhiều câu diễn đạt chưa thoát ý, mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ. - Điểm 4,0 - 5,0: Bài viết sơ sài, sắp xếp ý lộn xộn, nêu được vẻ đẹp vẻ đẹp chung, vẻ đẹp riêng của nhân của nhân vật, nhưng không lấy được dẫn chứng hoặc dẫn chứng chưa tiêu biểu, chưa phân tích dẫn chứng. - Điểm 2,0 - 3,0 : Bài làm mang tính liệt kê các chi tiết trong tác phẩm chưa biết khái quát thành luận điểm. - Điểm dưới 2: Bài viết quá sơ sài, chưa biết cách nghị luận. ---------------Hết------------------ PHẦN KÝ XÁC NHẬN: TÊN FILE ĐỀ THI: V-05-HSG9-16-PG7 MÃ ĐỀ THI (DO SỞ GD&ĐT GHI):.. TỔNG SỐ TRANG (ĐỀ THI VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM) LÀ: 05 TRANG. NGƯỜI RA ĐỀ THI (Họ tên, chữ ký) Mai Thị Hương NGƯỜI THẨM ĐỊNH VÀ PHẢN BIỆN (Họ tên, chữ ký) XÁC NHẬN CỦA BGH (Họ tên, chữ ký, đóng dấu) Vũ Thị Thu Hương
File đính kèm:
- de_thi_hoc_sinh_gioi_ngu_van_lop_9_ma_de_v05_pg7_nam_hoc_201.doc