Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V01.PG7 - Năm học 2015-2016 (Có đáp án)

I. Đọc hiểu (6.0 điểm):

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

 " Trăng cứ tròn vành vạnh

 kể cho người vô tình

 ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình."

 ( Ánh trăng- Nguyễn Duy)

1. Tại sao trong suốt bài thơ " Ánh trăng" Nguyễn Duy đều dùng từ " vầng trăng" nhưng đến cuối bài thơ lại dùng từ " ánh trăng" cách dùng như vậy có ý nghĩa gì.

2. Trình bày cảm nhận của em về hình tượng "trăng" trong đoạn thơ trên? Qua đó gợi nhắc và củng cố thái độ sống nào của người đọc.

 

doc 6 trang cucpham 1860
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V01.PG7 - Năm học 2015-2016 (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V01.PG7 - Năm học 2015-2016 (Có đáp án)

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V01.PG7 - Năm học 2015-2016 (Có đáp án)
 MÃ KÍ HIỆU
 ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9
 Năm học: 2015- 2016
 MÔN: NGỮ VĂN
 Thời gian làm bài: 150 phút
 (Đề này gồm 02 phần, 03 câu, 01 trang)
I. Đọc hiểu (6.0 điểm):
Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi: 
 " Trăng cứ tròn vành vạnh
 kể cho người vô tình
 ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình."
 ( Ánh trăng- Nguyễn Duy)
1. Tại sao trong suốt bài thơ " Ánh trăng" Nguyễn Duy đều dùng từ " vầng trăng" nhưng đến cuối bài thơ lại dùng từ " ánh trăng" cách dùng như vậy có ý nghĩa gì.
2. Trình bày cảm nhận của em về hình tượng "trăng" trong đoạn thơ trên? Qua đó gợi nhắc và củng cố thái độ sống nào của người đọc.
II. Tạo lập văn bản (14.0 điểm)
 Nhận xét về Nguyễn Du và Truyện Kiều, tác giả Mộng Liên Đường trong lời tựa Truyện Kiều đã viết: “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thắm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột. Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh cũng hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”. 
 Bằng hiểu biết của em về một số đoạn trích đã học và đọc thêm trong Truyện Kiều hãy trình bày những biểu hiện của tư tưởng nhân đạo để làm sáng tỏ ý kiến trên? Từ hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến nêu suy nghĩ của em về vị trí, vai trò người phụ nữ trong thế kỷ XXI.
..........................Hết........................
 MÃ KÍ HIỆU
 HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI 
 HỌC SINH GIỎI LỚP 9
 Năm học: 2015- 2016
 MÔN: NGỮ VĂN
 ( Hướng dẫn chấm gồm 02 phần, 03 câu, 04 trang)
Phần 
Đáp án
Điểm
Phần I
Đọc hiểu
(6.0 điểm)
1. Câu 1( 2.điểm):
a) Yêu cầu về kỹ năng: Viết thành đoạn văn hoặc bài văn ngắn. Diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, không sai lỗi chính tả, dùng từ, viết câu Bài viết có cảm xúc.
b) Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng phái đảm bảo các ý cơ bản sau: 
- Trong suốt bài thơ " ánh trăng" Nguyễn Duy đều dùng từ vầng trăng, nhưng đến cuối bài lại là vầng trăng vì:
- Vầng trăng là hình ảnh được nhân hóa trở thành người bạn đồng hành của nhân vật trữ tình trong nhiều hoàn cảnh cuộc sống
- Ánh trăng là hình ảnh ẩn dụ mang nhiều ý nghĩa biểu tượng sâu xa cho vấn đề mang tính triết lí, ánh trăng là ánh sáng chiếu vào góc khuất, góc tối của lương tâm con người làm sáng lại, sống lại cái góc khuất từ đó thức tỉnh những gì đã lãng quên để tự vấn lương tâm, để sống ân tình, thủy chung với khứ 
2. Câu 2 (4 điểm):
a) Yêu cầu về kỹ năng: Biết cách làm bài nghị luận về đoạn thơ. Bài có bố cục rõ ràng, mạch lạc, không sai lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt. Lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục, ngôn ngữ trong sáng, giàu cảm xúc.
b) Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý cơ bản sau: 
+ Phân tích
- “ Trăng tròn vành vạnh” vầng trăng trong sáng tròn đầy, viên mãn đó là sự tượng trưng cho quá khứ vẫn thủy chung, tròn đầy nguyên vẹn, đẹp đẽ không phai mờ dù qua bao thăng trầm
- “ Trăng im phăng phắc” gợi cái nhìn im lặng, không trách móc, bao dung độ lượng nhưng cũng nghiêm khắc nhắc nhở con người về cách sống 
- Cái “ giật mình” bởi trăng đẹp tình nghĩa mà mình lãng quên, trăng độ lượng nhân hậu mà mình vô tình, giật mình vì có lúc quên trăng, quên quá khứ gian lao hào hùng, và “ giật mình’ để tự hoàn thiện mình, để tự vấn, nhắc nhở mình
 + Củng cố, thái độ sống: 
 - Nhắc nhở mọi người phải biết hướng về quá khứ, trân trọng, giữ gìn vẻ đẹp truyền thống sống ân nghĩa, thủy chung với quá khứ, sống với mạch cảm xúc “ uống nước nhớ nguồn”, " ăn quả nhớ kẻ trồng cây"...
0,5
1,5
2,5
1,5
Phần II
Tạo lập văn bản
(14 điểm)
a) Yêu cầu về kỹ năng: Biết làm bài nghị luận văn học. Bài có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, mạch lạc, diễn đạt lưu loát, ngôn ngữ có chọn lọc, không mắc các loại lỗi. Bài viết có cảm xúc.
b) Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý cơ bản sau: 
* MB
- Dẫn dắt, giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận; trích dẫn ý kiến.
* Thân bài
+ Giải thích nhận định
- Nói đến “máu” và “nước mắt” của Nguyễn Du qua những trang thơ chính là cách nói hình ảnh đầy xúc động và ấn tượng về tấm lòng nhân đạo bao la, chân thành của đại thi hào đối với kiếp người đau khổ trong xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, mà cụ thể ở đây là nàng Kiều. 
- Tình cảm nhân đạo thống thiết ấy đã làm nên sức truyền cảm sâu xa và mãnh liệt của những  trang Kiều, khiến người đọc phải “thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như  đứt ruột”.
- Đó cũng là nội dung nổi bật về cái tâm của Nguyễn Du đối với kiếp người đau khổ mà ông đã chứng kiến và " nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy"
+ Phân tích
- Giá trị nhân đạo
- Giá trị nhân đạo là lòng yêu thương con người, điều đó được thể hiện ở thái độ căm giận, phê phán cái xấu, cái ác chà đạp lên quyền sống của con người đồng thời là sự đồng cảm, xót thương với những số phận, cuộc đời đau khổ bất hạnh, ở cảm hứng trân trọng, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của con người và mơ ước có cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Biểu hiện của giá trị nhân đạo
+ Phê phán, lên án, tố cáo các thế lực hắc ám trong xã hội phong kiến
- Truyện Kiều có giá trị nhân đạo sâu sắc, đây là giá trị tạo ra sự bất hủ của tác phẩm. Truyện Kiều được Viết bằng rung cảm của một tâm hồn " có con mắt trông suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời " bởi vậy mỗi vần thơ trong truyện Kiều đều như có " máu dỏ đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy ". 
- Những vần thơ chứa chan tình yêu thương con người ấy Nguyễn Du đã phê phán, lên án, tố cáo các thế lực hắc ám chà đạp lên quyền sống của con người, ông căm phẫn trước hành vi của quan sử án không chỉ qua vần thơ mà còn qua lời bình luận " Trong tay sẵn có đồng tiền- Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì "
- Nguyễn Du đã tố cáo hành vi vô đạo đức của Hồ Tôn Hiến để rồi gọi hắn bằng kẻ mặt sắt, nhà thơ còn tố cáo sự tàn bạo, hung dữ, tham lam của bọn lính tráng dùng từ ngữ miệt thị như  "đầu trâu mặt ngựa", ví chúng như "ruồi nhặng" , căm phẫn trước hành vi ngang ngược của bọn buôn thịt bán người " cũng phường bán thịt cũng tay buôn người ", ông trút căm hận vào từng từ ngữ khi miêu tả chân dung, hành động, lời nói với bọn người này khiến người đọc cũng đồng tâm trạng như ông.
+ Đồng cảm, thương xót cho cuộc đời đâu khổ, bất hạnh
- Qua những vần thơ thấm đầy nước mắt ấy Nguyễn Du đã thể hiện sự đồng cảm xót thương cho những số phận, những mảnh đời đau khổ, bất hạnh, ông thương cho vương ông khi bị tra tấn đánh đập để rồi xót xa kêu lên "Rằng cao rút ngọc dây oan- Dẫu là đá cũng nát tan là người "
- Ông thương cho nàng Đạm Tiên sắc tài vẹn toàn mà khi sống chỉ là trò mua vui cho những kẻ lắm tiền nhiều của, chết đi không người hương khói " Sống làm vợ khắp người ta- Hại thay tháp xuống làm ma không chồng". Đặc biệt Nguyễn Du thương cho nàng Kiều, một thiếu nữ đẹp người đẹp nết, hiểu thảo tài năng vậy mà phải mang thân ra làm món hàng, bị đầy đọa về thể xác, chà đạp về nhân phẩm " đau đớn thay phận đàn bà- Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" đó phải chăng là tiếng kêu, tiếng khóc của Nguyễn Du cho số phận những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Với trái tim nhân ái bao trùm mọi kiếp người ông nhận thấy phụ nữ trải qua những cay đắng, gian truân, mỏng manh, nhỏ bé trước xã hội mà cái ác, cái xấu đang lộng hành, điều đó thi nhân thốt lên ngay từ đầu thiên truyện " Trải qua một cuộc bể dâu- những điều trông thấy mà đau đớn lòng".
- Bởi có trái tim nhân ái mà Tố Như đã cảm nhận tới tận cùng nỗi cô đơn buồn tủi cũng như nỗi nhớ người thân của Kiều khi bị tú bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích «  buồn trông... » cứ thế buồn trước chưa qua buồn sau đã tới, điệp điệp trùng trùng khiến lòng người lòng nhức nhối khôn nguôn, khiến nỗi buồn mênh mang vô tận.
+ Ca ngợi, trân trọng, tôn vinh giá trị tốt đẹp
- Nguyễn Du còn thể hiện thái độ trân trọng, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của con người đó là cảm hứng nhân văn cao cả bởi tình yêu con người nên ông hết lòng ca ngợi vẻ đẹp của Thúy Vân, Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, một Thúy Vân trang trọng quý phái ( chị em Thúy Kiều) Một thúy Kiều sắc sảo mặn mà " sắc đành đòi một tài đành họa hai" ( Chị em Thúy Kiều) một Kim Trọng hào hoa phong nhã, một Từ Hải " đầu đội trời chân đạp đất " người anh hùng ấy sẵn sàng đạp mọi bất công ngang trái " anh hùng tiếng đã gọi rằng- Giữ đàng thấy chuyện bất bằng chẳng tha ". Có thể thấy ông đã dùng những ngôn từ rất đẹp, trang trọng thể hiện sự tôn vinh, không tiếc lời khen ngợi các nhân vật mà ông yêu mến, đó là những nhân vật đại diện cho cái đẹp cái tốt.
- Là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn Nguyễn Du còn cháy bỏng khát vọng cho con người được sống tốt đẹp hơn, khát vọng ấy trước hết thể hiện qua mối tình Kim- Kiều, có ai quên được hình ảnh nàng Kiều "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình " để sang nơi ở chàng Kim, người con gái ấy đi theo tiếng gọi tình yêu điều mà xã hội phong kiến xưa không cho phép. Khát vọng con người được sống tốt đẹp hơn thể hiện ở công lí qua hình tượng anh hùng Từ Hải, Nguyễn Du còn khát vọng, mơ ước người tốt không thể chết được, Kiều đã được sư Giác Duyên cứu và được đoàn tụ với gia đình..
+ Khẳng định giá trị nhân đạo
- Nguyễn Du sống giữa xã hội đầy biến động đang trên đà suy vong trầm trọng cái ác, cái xấu, cái bất công tràn lan, là nhà thơ có trái tim nhân ái, nhạy cảm với thời cuộc lại trải nghiệm, hiểu biết nên không thể thờ ơ trước thực trạng ấy để rồi phản ánh vào trang thơ mình bằng sự căm phận trước cái xấu và sự đồng cảm trước những đâu khổ điều đó khiến cho truyện Kiều ông trở thành kiệt tác
*Vị trí, vai trò người phụ nữ trong thế kỷ 21 
+ Phân tích những biểu hiện
- Khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Vai trò này đang được khẳng định một cách rõ nét hơn bao giờ hết
- Người phụ nữ được đối xử bình đẳng, yêu thương, tôn trọng và hạnh phúc, được làm chủ cuộc đời của chính mình.
- Họ sẵn sàng hi sinh hạnh phúc cá nhân, thậm chí cả tính mạng để bảo vệ, cống hiến cho tổ quốc
-   Với truyền thống đó, phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng rộng rãi vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tham gia phòng chống tệ nạn xã hội; thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân Họ là những con người nhanh nhẹn, năng động, sáng tạo có trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc. Có thể nói, vai trò của phụ nữ Việt Nam được thể hiện ngày càng sâu sắc và có những đóng góp quan trọng trong thành tựu của cách mạng Việt Nam
+ Đánh giá, mở rộng
- Trong thời đại mới, bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động  Họ là những người hạnh phúc trong gia đình, thành đạt trong công việc, sự nghiệp 
- Phụ nữ thế kỷ 21 được tạo điều kiện mọi điều kiện để phát huy mọi thế mạnh. Họ có tri thức, văn hoá, có ý thức cầu tiến, độc lập, sống có mục đích, tự tin, sáng tạo, biết hoạch định kế hoạch, biết đối mặt với áp lực, biết chăm sóc bản thân 
- Bên cạnh đó còn không ít phụ nữ bị đối xử bất công, bị bạo hành gia đình, đối xử không công bằng..
* KB:
- Đánh giá, khẳng định,khái quát lại vấn đề nghị luận.
0,5
1,0
0,5
2,0
2,0
2,0
0,5
3,0
2,0
0,5
Lưu ý
Có thể thưởng điểm cho những bài có cách viết , ý tứ độc đáo nếu bài làm chưa đạt điểm tối đa. Cho điểm lẻ đến 0,25. 
PHẦN KÍ XÁC NHẬN
TÊN FILE ĐỀ THI: V- 01 – HSG9 -15- PGD7
MÃ ĐỀ THI:
TỔNG SỐ TRANG ( ĐỀ THI VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM ) LÀ 05 TRANG.
NGƯỜI RA ĐỀ THI TỔ TRƯỞNG XÁC NHẬN CỦA BGH
 (Họ tên, chữ ký) (Họ tên, chữ ký) (Họ tên, chữ ký, đóng dấu)
Hoàng Thị Cam Bùi Thị Minh Nhật Nguyễn Thị Hồng Thu

File đính kèm:

  • docde_thi_hoc_sinh_gioi_ngu_van_lop_9_file_de_v01_pg7_nam_hoc_2.doc