Tổng hợp Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn (Có đáp án)

Câu 1 (1điểm) : Cho biết từ loại của những từ được in đậm dưới đây:

Thế là họ mỉm cười bay đi.

Nhưng con biết có trò chơi thú vị hơn, mẹ ạ.

Con là mây và mẹ sẽ là trăng.

Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.

 (Mây và sóng, R.Ta-go, Ngữ văn 9, tập hai)

Câu 2 (1 điểm): Mỗi thành ngữ, tục ngữ sau đây liên quan đến phương châm hội thoại nào?

a/ Nói có sách, mách có chứng. c/ Lời chào cao hơn mâm cỗ.

b/ Dây cà ra dây muống. d/ Ông nói gà, bà nói vịt.

Câu 3 (1 điểm): Cho biết những phép liên kết câu được sử dụng trong đoạn văn sau và chỉ rõ từ ngữ thực hiên phép liên kết câu đó:

(1)Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn. (2)Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại. (3)Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích luỹ ngày đêm mà có.

 (Bàn về đọc sách, Chu Quang Tiềm, Ngữ văn 9, tập hai)

 

doc 56 trang cucpham 01/08/2022 1680
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tổng hợp Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tổng hợp Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn (Có đáp án)

Tổng hợp Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn (Có đáp án)
KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 15 tháng 6 năm 2006
Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề )
ĐỀ CHÍNH THỨC
Câu 1 (1điểm) : Cho biết từ loại của những từ được in đậm dưới đây:
Thế là họ mỉm cười bay đi.
Nhưng con biết có trò chơi thú vị hơn, mẹ ạ.
Con là mây và mẹ sẽ là trăng.
Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.
	(Mây và sóng, R.Ta-go, Ngữ văn 9, tập hai)
Câu 2 (1 điểm): Mỗi thành ngữ, tục ngữ sau đây liên quan đến phương châm hội thoại nào?
a/ Nói có sách, mách có chứng.	c/ Lời chào cao hơn mâm cỗ.
b/ Dây cà ra dây muống.	d/ Ông nói gà, bà nói vịt.
Câu 3 (1 điểm): Cho biết những phép liên kết câu được sử dụng trong đoạn văn sau và chỉ rõ từ ngữ thực hiên phép liên kết câu đó:
(1)Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn. (2)Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại. (3)Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích luỹ ngày đêm mà có.
 (Bàn về đọc sách, Chu Quang Tiềm, Ngữ văn 9, tập hai)
Câu 4 (2 điểm): Vừa qua, trường (hoặc địa phương) của em đã tổ chức cuộc vận động ủng hộ nạn nhân cơn báo số 1 (Chanchu). Em hãy viết một đoạn văn trình bày cảm xúc và suy nghĩ của mình về cuộc vận động đó.
Câu 5 (5 điểm): Phân tích đoạn thơ sau đây:
	Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
	Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
	Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
	Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
	Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
	Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
	Lưng đưa nôi và tim hát thành lời :
	- Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
	Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội
	Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
	Mai sau con lớn vung chày lún sân...
 	(Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, 
	Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 9, tập một)
-----Hết-----
GỢI Ý THỰC HIỆN YÊU CẦU ĐỀ THI: 
Câu 1 : 
+ họ : đại từ 	+ biết : động từ	
+ thú vị : tính từ	+ trăng : danh từ
+ hai : số từ 	+ ôm : động từ	
+ mái nhà : danh từ	+ xanh thẳm : tính từ
Câu 2 : 
a) Phương châm về chất	c) Phương châm lịch sự
c) Phương châm cách thức	d) Phương châm quan hệ
Câu 3 : 
- Phép lặp : học vấn, toàn nhân loại
- Phép nối : bởi vì
Câu 4 : 
	a) Về kĩ năng: 
	- Có kĩ năng xây dựng một đoạn văn với độ dài theo yêu cầu của đề bài (không quá 20 dòng).
	- Văn viết có cảm xúc, diễn đạt mạch lạc, rõ ý, không mắc lỗi. Các câu văn liên kết chặt chẽ về nội dung cũng như hình thức.
	b) Về nội dung:
	Đoạn văn cần có các ý chính sau : 
	- Xúc động, thương cảm trước những tổn thất về người và của ; đồng cảm, sẻ chia với những nỗi đau của các gia đình nạn nhân, nhất là các bạn học sinh bị mất người thân.
	- Nhận thức được việc tổ chức cuộc vận động ủng hộ thể hiện truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp muôn đời của dân tộc ta ; mỗi người và cộng đồng phải có trách nhiệm góp phần nhỏ bé của mình vào việc tham gia khắc phục hậu quả, ủng hộ cả vật chất và tinh thần giúp những nạn nhân và gia đình nạn nhân sớm vượt qua nỗi đau thương mất mát, nhanh chóng ổn định cuộc sống ; bản thân hưởng ứng cuộc vận động bằng những hành động thiết thực, cụ thể và vận động người thân, bạn bè tham gia cuộc vận động.
Câu 5 : 
	a) Kĩ năng : Vận dụng được phương pháp nghị luận một đoạn thơ ; kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt có cảm xúc ; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
	b) Nội dung :
	- Giới thiệu một số nét cơ bản về tác giả, tác phẩm và đoạn trích :
	+ Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được tác giả sáng tác khi đang công tác tại chiến khu miền tây Thừa Thiên.
	+ Bài thơ ca ngợi tình yêu thương con và ước mong của người mẹ Tà-ôi trong kháng chiến. Bài thơ gồm ba khúc ru, đoạn trích là khúc ru thứ nhất, miêu tả công việc giã gạo nuôi bộ đội và ước mơ của người mẹ. 
	- Khúc ru mở đầu bằng lời ru của tác giả tạo nên giai điệu ngọt ngào, tha thiết mang âm hưởng dân ca.
	- Hình ảnh người mẹ Tà-ôi hiện lên trong cảnh vừa điệu con vừa giã gạo thật vất vả, nhưng thật đẹp với tình yêu thương mênh mông. Chú ý phân tích hình ảnh nhịp chạy nghiêng – giấc ngủ em nghiêng và hàng loạt hình ảnh giàu tính biểu cảm mồ hôi, má, vai, lưng, tim...
	- Tình yêu thương con và ước mong của người mẹ Tà-ôi đặt trong mối quan hệ gắn bó với công việc và tình yêu thương bộ đội. Chú ý phân tích cách nói con mơ cho mẹ, mai sau con lớn để thấy được người mẹ gởi trọn niềm tin yêu, mong mỏi vào đứa con và tương lai ; cách ngắt nhịp đều đặn ở giữa dòng của lời ru trực tiếp đã tạo nên âm điệu dìu dặt vấn vương và càng làm cho lời ru thêm thiết tha, tình cảm và ước mong của người mẹ cành tự nhiên, chân thật, sâu sắc và cao đẹp.
	- Từ hình ảnh, tấm lòng của người mẹ Tà-ôi, tác giả đã thể hiện tình yêu thương quê hương đất nước thiết tha, ý chí chiến đấu cho độc lập, tự do và khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân ta.
-----Hết-----
KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN (Hệ số 1)
Khóa ngày 28 tháng 6 năm 2006
Thời gian: 150 phút (không kể giao đề)
ĐỀ CHÍNH THỨC
	Câu 1 (1 điểm ) Chỉ ra thành phần biệt lập trong các câu sau và cho biết đó là thành phần gì ?
	a/ “Hãy bảo vệ Trái Đất, ngôi nhà chung của chúng ta, trước những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang gia tăng.”
 (Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000, Ngữ văn 8) 
	b/ “Anh quay lại nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi.”
 (Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9)
	Câu 2 (1,5 điểm) Hãy xác định và phân tích nét nghệ thuật độc đáo của các biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau :
	Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
	Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
	 (Đoàn thuyền đánh cá,Huy Cận, Ngữ văn 9)
	Câu 3 (2,5 điểm) “Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.”
	 (Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9)
 	Từ vẻ đẹp của những con người trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, em có suy nghĩ gì về lẽ sống của tuổi trẻ hiện nay ?
	Câu 4 (5 điểm) Em hãy phân tích đoạn trích sau :
	Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
	Hoa cười ngọc thốt doan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
	Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn:
	Làn thu thuỷ nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
	Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Săc đành đòi một tài đành hoạ hai.
	Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.
	Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
	Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.
 (Chị em Thuý Kiều, trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, Ngữ văn 9)
-----Hết-----
GỢI Ý THỰC HIỆN YÊU CẦU ĐỀ THI: 
Câu 1 :
 - ngôi nhà chung của chúng ta : thành phần phụ chú
- có lẽ : thành phần tình thái
Câu 2 : 
- so sánh: “Mặt rời xuống biển” được so sảnh với hình ảnh "hòn lửa'', vừa độc đáo vừa gây ấn tượng mạnh về cảnh hoàng hôn trên biển thật tráng lệ.
- Nhân hoá: Hình ảnh nhân hóa "Sóng- cài then'', "đêm –sập cửa'' gợi ra trước mắt người đọc một khung cảnh vừa rộng lớn vừa gần gũi với con người: thiên nhiên, vũ trụ như một ngôi nhà không lồ đang đi vào trạng thái nghỉ ngơi.
Câu 3 :
Yêu cầu :
a) Kĩ năng : 
Học sinh có thế viết một đoạn văn hoặc một bài văn ngắn. Biết vận dụng các thao tác lập luận để làm bài. Diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, ít lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp.
b) Nội dung :
- Khái quát vẻ đẹp của những con người trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa: 
Tác phầm đã khắc hoạ được chân dung những con người với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ vê cuộc sống, về ý nghĩa công việc. Đó là những con người lao động thầm lặng cống hiến hết mình cho tổ quốc: có lòng nhân ái và nhiều phẩm chất cao quý. 
- Phát biểu những suy nghĩ về lẽ sống của tuổi trẻ hiện nay :
+ Lẽ sống cao đẹp của những con người lao động thầm lặng trong tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị và là những bài học sâu sắc đối với lý tưởng sống của thế hệ trẻ hiện nay.
+ Tuổi trẻ cần phải sống có lí tưởng, cống hiến hết mình cho đất nước, ý thức được trách nhiệm của mình đối với tập thể, với cộng đồng.
+ Liên hệ với bản thân trong lối sống, trong học tập, rèn luyện đạo đức, trong quan hệ với bẹn bè...
+ Phê phán lối sống không lành mạnh, cá nhân, ích kỉ... 
Câu 4 : 
	Yêu cầu :
	a) Kĩ năng : Vận dụng được phương pháp nghị luận một đoạn thơ ; kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, văn viết có cảm xúc, có hình ảnh ; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
	b) Nội dung :
	- Giới thiệu khái quát về đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần mở đầu của Truyện Kiều. Bằng bút pháp ước lệ cổ điển, Nguyễn Du đã dựng lên được hai bức chân dung tuyệt đẹp của chị em Thuý Kiêu và phần nào dự báo về số phận của họ. 
	- Phân tích bốn câu thơ đầu gợi tả vẻ đẹp của Thuý Vân:
	+ Câu mở đầu có tính khái quát: Thuý Vân đẹp cao sang, quý phái. Vẻ đẹp bên ngoài được nói đến qua các chi tiết về khuôn mặt (khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang), miệng đẹp như hoa, giọng nói trong trẻo. mái tóc óng ả hơn mây, làn da trắng hơn tuyết. Các từ mang ý nghĩa so sánh (thua, nhường) có tác dụng làm nổi bật hơn vẻ đẹp của Thuý Vân. Chú ý khai thác nghệ thuật sử dụng bút pháp ước lệ, các biện pháp liệt kê, so sánh, ẩn dụ, ...
	+ Vẻ đẹp của Thuý Vân là vẻ đẹp thể hiện sự phúc hậu, tròn trịa (đầy đặn, nở nang, đoan trang). Đó là vẻ đẹp dự báo số phận của nàng: yên ổn, suôn sẻ, bình lặng.
	- Phân tích mười hai câu thơ tiếp theo gợi tả vẻ đẹp của Thuý Kiều:
	+ Câu khái quát: Thuý Kiều đẹp hơn Thuý Vân cả hai phương diện tài và sắc. Chú ý các từ sắc sảo, mặn mà.
	+ Khi miêu tả Thuý Kiều, Nguyễn Du chú ý đến đôi mắt của nàng (làn thu thuỷ). Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nó cho phép người đọc hiểu hơn sự sắc sảo về trí tuệ, chiều sâu tâm hồn của nàng. Kiều đẹp đến mức tạo hoá phải  ...  có nghĩa là lập dị, nét độc đáo của mỗi cá nhân phải nằm trong một chuẩn mực chung được xã hội chấp nhận.
	2.3. Phê phán và rút ra bài học nhận thức 
	- Phê phán những người không chịu chấp nhận cái tôi của người khác ; áp đặt quan điểm, lối sống của mình cho mọi người. Phê phán sự lập dị, khác thường đi ngược lại đạo đức, văn hóa.
- Biết tôn trọng nét riêng của người khác, không vì bất cứ lí do gì mà đánh mất bản sắc riêng và biết khẳng định cái tôi của mình.
II. Biểu điểm 
 	- Điểm 3 : Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên.
 	- Điểm 2 : Biết vận dụng phương pháp nghị luận đã học. Bố cục rõ ràng. Nêu được khoảng hai phần ba số ý và mắc không quá 5 lỗi diễn đạt.
 	- Điểm 1 : Hiểu nội dung của đề nhưng trình bày còn chung chung. Diễn đạt có chỗ chưa rõ.
 	- Điểm 0 : Viết vài dòng chiếu lệ hoặc lạc đề.
	Lưu ý:
	- Cần chú ý khuyến khích những bài viết hay, sáng tạo.
	- Giám khảo có thể cho điểm lẻ đến 0,25.
Câu 2. (7điểm)
 	I. Yêu cầu 
1. Về kĩ năng 
 	- Vận dụng phương pháp nghị luận văn học để phân tích, làm rõ một vấn đề văn học.
 	- Lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng. Văn viết có cảm xúc. Không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
2. Về nội dung 
Vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt được thể hiện một cách khá phong phú, đa dạng qua những tác phẩm Văn học Việt Nam hiện đại trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Thí sinh có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Sau đây là một số gợi ý : 
2.1. Lòng yêu nước
	a/ Yêu vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước (Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê, Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long, Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, Sang thu – Hữu Thỉnh).
	b/ Tự tôn dân tộc, tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn của mình (Làng – Kim Lân, Nói với con – Y Phương).
	c/ Chiến đấu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc 
	- Trong kháng chiến chống Pháp : có tấm lòng thủy chung với kháng chiến, với cách mạng, với cụ Hồ (Làng – Kim Lân) ; sẵn sàng gạt tình riêng, vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương (Đồng chí – Chính Hữu).
	- Trong kháng chiến chống Mĩ : hướng về miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc (Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật) ; hi sinh tuổi xuân, bất chấp hiểm nguy, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cao điểm với tinh thần dũng cảm (Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê).
	- Cống hiến để xây dựng đất nước (Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long, Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải).
2.2. Tình yêu thương con người
	a/ Tình cảm gia đình thiêng liêng cao quý : tình cha con, tình mẹ con sâu nặng (Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm, Nói với con – Y Phương ) ; tình bà cháu thắm thiết (Bếp lửa – Bằng Việt).
	b/ Tình đồng đội gắn bó (Đồng chí – Chính Hữu, Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật, Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê).
	2.3. Hướng đến những giá trị cao đẹp của của con người và cuộc sống
a/ Sống nghĩa tình, thủy chung, cao đẹp (Ánh trăng – Nguyễn Duy, Nói với con – Y Phương).
b/ Lạc quan, yêu đời, yêu chuộng tự do,  (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật, Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê). 
2.4. Đánh giá
- Thông qua việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn con người trong đấu tranh, trong đời sống, những tác phẩm Văn học Việt Nam hiện đại trong chương trình Ngữ văn 9 giúp bồi đắp tâm hồn, tính cách, tư tưởng cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau.
	- Các yếu tố nghệ thuật : xây dựng tình huống truyện, kết cấu, nhân vật ; lựa chọn chi tiết, hình ảnh, giọng điệuđã góp phần bộc lộ chân thực, sinh động vẻ đẹp tâm hồn ấy.
	II. Biểu điểm 
 	- Điểm 7 : Đảm bảo đầy đủ các yêu cầu trên. Có thể còn mắc một vài sai sót nhỏ.
 	- Điểm 5 - 6 : Biết vận dụng phương pháp nghị luận đã học. Hiểu, chọn và phân tích được một số hình ảnh, chi tiết tiêu biểu trong các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại của chương trình Ngữ văn 9 để làm rõ những nét đẹp tâm hồn con người Việt Nam nhưng có chỗ còn hạn chế. Bố cục rõ. Mắc không quá 10 lỗi diễn đạt.
 	- Điểm 3 - 4 : Hiểu yêu cầu đề nhưng kĩ năng làm bài còn nhiều hạn chế, có chỗ còn liệt kê. Thiếu luận điểm, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
 	- Điểm 2 : Hiểu nội dung của đề nhưng kĩ năng nghị luận còn yếu. Bài viết lủng củng. Bố cục không chặt chẽ, chủ yếu liệt kê, diễn xuôi hoặc phân tích chung chung. Diễn đạt yếu.
 	- Điểm 1 : Bài làm viết sơ lược, kĩ năng nghị luận kém.
 	- Điểm 0 : Bỏ giấy trắng hoặc hiểu sai yêu cầu của đề bài.
 Lưu ý : 
	- Cần chú ý khuyến khích những bài viết hay, sáng tạo.
	- Giám khảo có thể cho điểm lẻ đến 0,25.
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THÀNH PHỐ
 THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM HỌC 2013-2014
MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
Thời gian: 150 phút (không tính thời gian giao đề)
ĐỀ CHÍNH THỨC
Câu 1. (3 điểm)
Đọc mẩu chuyện sau:
 Quả Sồi
 	 Nằm dưới đất, Quả Sồi ao ước được ở trên cao ngắm trăng sao, sông núi. Nó nhờ Cây Sồi đưa lên cành cao. Cây Sồi bảo:
 	 - Hãy tự mọc rễ nhanh lên rồi cháu sẽ trở thành một cây cao như bác.
 (Theo Xu-khôm-lin-xki, Tiếng Việt lớp 1, tập 2)
 	Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của mẩu chuyện trên.
Câu 2. (7 điểm)
	Cảm nhận của em về tình bà cháu được thể hiện trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt (Ngữ văn 9, tập 1).
 BẾP LỬA
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay !
Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế !
Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi ! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa ?
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh :
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên !”
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng 
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa !
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở :
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ? 
 1963
- Hết –
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THÀNH PHỐ
 THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM HỌC 2013-2014
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
Câu 1: 
Yêu cầu về kĩ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội.
Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu về kiến thức: 
 Học sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách, nhưng bài viết cần có các ý cơ bản sau:
Giải thích ý nghĩa câu chuyện: ( 0.5đ) Câu chuyện nhằm khẳng định trong cuộc sống, mỗi người cần phải tự cố gắng, nỗ lực vươn lên bằng chính khả năng của mình mới có thể đạt được thành công.
Bàn luận: (2.0 đ)
Hành trình vươn đến thành công luôn có nhiều khó khăn, thử thách, mỗi người cần nỗ lực vươn lên bằng chính khả năng của mình mới có thể đạt được.
Tự nỗ lực vươn lên, mỗi người sẽ phát hiện những hạn chế của bản thân để khắc phục và phát huy, khẳng định năng lực của mình.
Khi mỗi người vươn tới thành công bằng chính khả năng của mình thì thành công ấy mới bền vững và có ý nghĩa.
Phê phán: những người không có ý chí, nghị lực, sống ỷ lại, trông chờ vào người khác
Bài học học nhận thức và hành động:(0.5đ)
Nhận thức được bài học về ý nghĩa của sự nỗ lực của bản thân mỗi người trong cuộc sống. 
Cần rèn luyện ý chí nghị lực để vượt qua những khó khăn, thử thách.
Biểu điểm:
3 điểm: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.
2 điểm: Hiểu đề, giải thích được ý nghĩa mẩu chuyện, bàn luận tương đối đầy đủ nhưng chưa thật sâu, còn mắc một vài lỗi diễn đạt.
1 điểm: Hiểu đề chưa rõ, viết chung chung, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
0 điểm: Lạc đề.
Câu 2
Yêu cầu về kĩ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận văn học về một tác phẩm thơ.
Bố cục rõ ràng; biết cách xây dựng luận điểm; diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; có cảm nhận riêng.
Yêu cầu về kiến thức:
 Bài viết cần có các ý cơ bản sau:
Giới thiệu khái quát về nhà thơ Bằng Việt, bài thơ “Bếp lửa” và tình bà cháu
Phân tích, cảm nhận về tình bà cháu trong bài thơ:
Tình bà cháu sâu nặng gắn với những kỉ niệm về tuổi thơ nghèo khổ sống bên bà.
 Tình bà cháu sâu nặng trong suy ngẫm của tác giả: 
+ Tình bà ấm áp gắn với sự tảo tần, lòng yêu thương, nhóm lên niềm vui, giữ và truyền ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.
+ Tình cháu hiểu bà, yêu bà với lòng biết ơn sâu sắc.
Tình bà cháu sâu sắc được thể hiện qua nghệ thuật xây dựng hình ảnh thơ giản dị, gần gũi, giàu ý nghĩa biểu tượng; kết hợp nhuần nhuyễn giữa miêu tả, biểu cảm, tự sự, nghị luận; giọng điệu và thể thơ phù hợp với cảm xúc hồi tưởng và suy ngẫm 
Đánh giá chung:
 Bài thơ thể hiện tình bà cháu ấm áp, qua đó người đọc cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của những người bà, người mẹ, về nhân dân nghĩa tình. 
III. Biểu điểm:
- Điểm 6-7: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên.
- Điểm 4 - 5: Hiểu đúng yêu cầu đề, trình bày được luận điểm cơ bản nhưng phân tích chưa sâu, ít mắc lỗi về diễn đạt. 
- Điểm 2- 3: Bài viết xác định yêu cầu đề còn mơ hồ, bài viết sơ sài chung chung, mắc nhiều lỗi về diễn đạt.
- Điểm 0-1: Bài viết vài dòng hoặc bài viết lạc đề, bỏ giấy trắng.
- Cho tối đa 3 điểm đối với bài viết tốt nhưng chỉ đơn thuần phân tích, không khái quát luận điểm.
Lưu ý: 
Cần chú ý khuyến khích những bài viết hay, sáng tạo.
Giám khảo có thể cho điểm lẻ đến 0,25.

File đính kèm:

  • doctong_hop_de_thi_tuyen_sinh_lop_10_thpt_mon_ngu_van_co_dap_an.doc