Sáng tạo của người nghệ sĩ trong nghệ thuật là không lặp lại người khác, thậm chí không lặp lại chính mình. Phân tích hai đoạn thơ sau để thấy được sự không lặp lại chính mình của nhà thơ Quang Dũng

[1]. Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

[2]. Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

(Trích Tây Tiến – SGK Ngữ Văn 12 – trang 68)

 

docx 7 trang cucpham 4680
Bạn đang xem tài liệu "Sáng tạo của người nghệ sĩ trong nghệ thuật là không lặp lại người khác, thậm chí không lặp lại chính mình. Phân tích hai đoạn thơ sau để thấy được sự không lặp lại chính mình của nhà thơ Quang Dũng", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Sáng tạo của người nghệ sĩ trong nghệ thuật là không lặp lại người khác, thậm chí không lặp lại chính mình. Phân tích hai đoạn thơ sau để thấy được sự không lặp lại chính mình của nhà thơ Quang Dũng

Sáng tạo của người nghệ sĩ trong nghệ thuật là không lặp lại người khác, thậm chí không lặp lại chính mình. Phân tích hai đoạn thơ sau để thấy được sự không lặp lại chính mình của nhà thơ Quang Dũng
Đề 1:
Sáng tạo của người nghệ sĩ trong nghệ thuật là không lặp lại người khác, thậm chí không lặp lại chính mình. Phân tích hai đoạn thơ sau để thấy được sự không lặp lại chính mình của nhà thơ Quang Dũng.
[1]. Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
[2]. Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
(Trích Tây Tiến – SGK Ngữ Văn 12 – trang 68)
Mở bài
Nhắc đến Tây Bắc, văn chương không chỉ một lần đưa ta đến với mảnh đất này: ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bộ tranh tứ bình của rừng núi Tây Bắc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, qua trang thơ Quang Dũng, một lần nữa, bức tranh thiên nhiên miền Tây Bắc Tổ quốc lại hiện ra trước mắt độc giả rõ nhất qua bài thơ Tây Tiến. Quang Dũng đã kết hợp hoàn hảo bút pháp hiện thực và lãng mạn để vẽ lên bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hiện lên vừa hùng vĩ, dữ dội, hoang sơ lại vừa gần gũi ấm áp. Nhờ thế Quang Dũng đã không lặp mình đồng thời khắc họa được những khía cạnh tưởng như đối lập nhưng thống nhất trong tâm hồn người lính Tây Tiến.
Thân bài:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
Quang Dũng là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam những năm kháng chiến chống Pháp. Thơ Quang Dũng hấp dẫn người đọc bởi sự hội tụ của hai nguồn thi cảm, tình yêu đất nước, quê hương và khát vọng lên đường. Tiếng nói trữ tình ấy được biểu hiện bằng hệ thống nghệ thuật hài hòa yếu tố cổ điển và hiện đại, vừa giàu chất họa vừa giàu chất nhạc và chan chứa nguồn chân cảm.
Tác phẩm là một bức họa ngôn từ về bức tranh thiên nhiên miền Tây dữ dội, hiểm trở mà hùng vĩ song cũng rất đỗi trữ tình, nên thơ. Đó là nền để Quang Dũng khắc họa tượng đài nghệ thuật thấm đẫm tinh thần bi tráng về đoàn quân Tây Tiến trong sự hài hòa vẻ đẹp hào hùng và hào hoa.
2. Phân tích.
2.1. Thiên nhiên dữ dội hùng vĩ
Đoạn thơ thứ nhất làm hiện lên trước mắt người đọc một bức tranh Miền Tây hiểm trở, hoang vu. Đoạn thơ có sự xuất hiện đan dày của những từ, tính từ miêu tả, từ láy: khúc khuỷu,thăm thẳm, heo hút, cồn mây. Đó là những từ rất giàu giá trị tạo hình. Nó giúp người viết diễn tả thật đắc địa sự hiểm trở, khung cảnh trùng điệp, độ cao ngất trời của những núi, đèoTây Bắc.
Hình ảnh thơ súng ngửi trời được viết rất hồn nhiên mà cũng rất táo bạo. Nó vừa đặc tả độ cao của núi đèo – núi cao tưởng chừng chạm mây, mây nổi thành cồn khi người lính trèo lên đỉnh núi cao có cảm giác như đang đi trên mây. Mũi súng hướng lên trời cao tưởng chạm tới trời. Cũng hình ảnh thơ này còn có giá trị thể hiện sự ngộ nghĩnh pha một chút tinh nghịch trong cách cảm nhận thiên nhiên của những người lính trẻ trí thức. Hình ảnh thơ này rất gần gũi với hình ảnh trong câu thơ trong Đồng chí của Chính Hữu: Đầu súng trăng treo. Đó là sự gần gũi trong liên tưởng nghệ thuật giàu chất lãng mạn từ một hiện thực gắn với đời sống người lính khi những người lính hành quân hay phục kích, mũi súng hướng lên trời cao. Khi ấy tâm hồn trong người lính liền có liên tưởng bất ngờ – Trăng treo đầu súng hay súng ngửi trời. Tất cả đều hé lộ cho người đọc thấy tâm hồn vừa lãng mạn vừa trẻ trung, hồn nhiên của những anh lính vệ quốc thời chống pháp năm nào.
Sự xuất hiện liên tiếp của những thanh trắc. Có 11/21 tiếng của ba dòng đều là thanh trắc, khiến âm điệu thơ trở nên gân guốc, góc cạnh. Riêng dòng ba là cách ngắt nhịp truyền thống 4/3 nhưng có khả năng tạo hiệu quả nghệ thuật bất ngờ: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm. Câu thơ như bẻ gãy làm đôi, tạo đường gấp khúc giữa chiều cao, chiều sâu, diễn tả đắc địa, thần tình những dốc núi dựng lên rồi đổ xuống, nhìn lên cao thấy chót vót, nhìn xuống lại thấy sâu hun hút. Có nhà nghiên cứu phê bình cho rằng, đó là cách ngắt nhịp đầy sáng tạo bởi người viết đã biết phát huy sức mạnh nghệ thuật của những yếu tố nghệ thuật biểu hiện mang màu sắc cổ điển để thể hiện hiện thực riêng, độc đáo của địa hình, địa thế miền Tây Bắc. Trong Tây Tiến, thiên nhiên Tây Bắc đã có khá nhiều dòng thơ đặc tả ấn tượng vẻ trắc trở, hùng vĩ, dữ dội của thiên nhiên Tây Bắc: Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người. Nhưng có lẽ đây mới thực sự là những dòng thơ để lại cho người đọc nỗi ám ảnh hãi hùng về miền đất miền Tây của những ngày kháng chiến chống Pháp.
Nối tiếp cảnh miền Tây hoang sơ, hiểm trở là một bức tranh Miền Tây rất đỗi thơ mộng, thi vị. Ở Tây Tiến, cảnh trí thiên nhiên dường như được tạo hình theo lối truyền thống thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc. Bên cạnh một miền Tây góc cạnh, hiểm trở, gân guốc của điêu khắc lại là một miền Tây mờ nhòe kiểu tranh lụa. Nó tạo sự tương phản gay gắt trong diện mạo thẩm mỹ của vùng đất này. Thế nên thủ pháp nghệ thuật này được Quang Dũng sử dụng đắc địa hơn cả trong suốt thi phẩm. Nó không chỉ do yêu cầu tôn trọng hiện thực phản ánh mà còn bị chi phối bởi đặc trưng thi pháp lãng mạn gắn với đặc trưng tâm hồn của tác giả. Sau ba dòng thơ đan dày thanh trắc lại là những dòng thất ngôn toàn thanh bằng, lại không ngắt nhịp. Nó tạo hình được vẻ đẹp mềm mại có sức lan tỏa của bức tranh thiên nhiên.
Âm điệu thơ nhẹ nhàng, thư thái giúp người đọc thấy khung cảnh những người lính dừng chân bên núi phóng ra xa và bất ngờ phát hiện trong không gian mịt mùng sương khói, mưa rừng, thấp thoáng ẩn hiện những ngôi nhà như đang bồng bềnh giữa biển khơi. Nhờ chuỗi âm thanh bằng, điệu thơ nhẹ nhàng, êm ái, du dương, Quang Dũng miêu tả được cả tiếng thở phào của người vượt qua độ cao đang phóng mắt nhìn cảnh trí
Hình ảnh thơ với cấu trúc ngôn từ lạ, táo bạo: Xa khơi vốn là hình ảnh tả không gian biển, nay được Quang Dũng sử dụng để tả cảnh không gian núi rừng miền Tây. Hình ảnh mưa xa khơi khép dòng thơ làm cho câu thơ đẹp như một bức tranh lụa kiểu thủy mặc rất nên thơ. Chính ở đây, chất Quang Dũng còn thể hiện rõ ở điểm nhìn của người viết. Thơ cổ thường dùng độ cao để gợi cái xa. Câu thơ của Quang Dũng dùng cái xa của không gian để gợi tầm cao của tư thế đứng: Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Câu thơ còn làm hiện rõ người lính trong tầm vóc giàu chất sử thi. Thế nên sau bức tranh thiên nhiên miền tây hùng vũ, nên thơ là hình ảnh những con người Tây Tiến trong tư thế chinh phục thiên nhiên ở một điểm cao ngạo nghễ mà vẫn hồn nhiên. Đó là những con người đang trong trạng thái phấn khích bởi vừa vượt qua một thử thách. Bốn câu thơ là một bức họa rất cao đẹp về cảnh núi đèo Tây Bắc, địa bàn hoạt động chủ yếu của đoàn quân Tây Tiến. Lời thơ gợi nhớ câu thơ:
Hình khe thế núi gần xa
Đứt thôi lại nối thấp đà lại cao
trong Chinh phụ ngâm khúc, còn vẻ hoang vu hiểm trở của Tây Bắc làm tái sinh trong ký ức người đọc những câu thơ của Lý Bạch ở Thục đạo nan:
Thục đạo chi nan
Nan ư thướng thanh thiên
Thế mới biết người viết đã lựa chọn một giải pháp nghệ thuật rất phù hợp với hiện thực cần phản ánh, thể hiện, lại cũng rất phù hợp với sở trường nghệ thuật của bản thân mình. Phải chăng đây cũng là một trong những yếu tố quyết định thành công xuất sắc của Tây Tiến trong đời thơ Quang Dũng.
2.2. Thiên nhiên Tây Tiến thơ mộng trữ tình
Đoạn thơ thứ hai khép lại bức tranh đêm hội miền Tây là dòng hoài niệm đầy lưu luyến về một buổi chiều sông nước gắn với cuộc chia tay đầy nhung nhớ. Giọng thơ không còn cái náo nức, rộn ràng, thay thế vào đó là một giai điệu trữ tình sâu lắng, bồi hồi, xốn xang, được gửi vào những dòng thơ đầy tài hoa, mở ra trước mắt người đọc là một không gian Miền Tây trong chiều sương gắn với một sự kiện thành kỷ niệm: một cuộc chia tay tiễn biệt người đi. Sự kiện này bản thân nó chứa đựng nỗi buồn bởi lẽ cuộc chia tay nào cũng là sự xa cách, có thể là tạm thời, có thể là vĩnh viễn. Cuộc chia tay ấy lại diễn ra vào buổi chiều, hơn thế lại là một buổi chiều sương. Nỗi buồn càng chất chứa, đong đầy.
Những cuộc chia tay được ghi lại trong thơ ca trung đại thường diễn ra ở một điểm cao bởi ở điểm nhìn ấy, cả người tiễn và người đi đều có thể nhìn thấy nhau trong thời gian lâu nhất. Điều đó giúp mỗi người bớt đi cảm giác chống chếnh, cô đơn khi phải rời xa những người thân yêu hoặc những người thân thiết của mình. Vậy mà cuộc chia tay, trong ký ức của Quang Dũng lại diễn ra trong một không gian che khuất tầm nhìn bởi những làn sương chiều giăng mắc. Câu chữ không có từ nào trực tiếp diễn tả nỗi buồn vậy mà nỗi buồn nơi lòng người như chứa chan trong câu chữ mà còn thấm đẫm tâm hồn người đọc. Đây là dấu ấn lối tả cảnh ngụ tình vừa tinh tế, tài hoa, vừa chân thực, xúc động.
Ba chữ chiều sương ấy như gợi không gian hoài niệm vừa thăm thẳm, vừa vời vợi. Cảnh sông nước miền Tây còn được tái hiện với hồn lau nẻo bến bờ. Bến bờ vốn đã xa nẻo, càng khuất người, tất cả gợi lên một không gian xa vắng, quên lãng. Chữ hồn lau rất gợi, rất sống động. Thủ pháp nhân hóa làm lời thơ vốn dùng để đặc tả sắc màu trắng bạc của hoa lau – một loài hoa gợi về vùng không gian hoang sơ, hoang dại, đã trở thành ám ảnh trong thơ Quang Dũng. Trong khúc ca Những làng đi qua, Quang Dũng kịp ghi lại một sắc hoa lau thi vị, gợi cảm như thế:
Hoa lau trắng bạc trời Yên Thế
Giờ đây, hoa lau trở thành một sinh thể có điệu hồn, có nỗi lòng, tâm trạng riêng. Ta có cảm giác nếu không có bước chân người lính Tây Tiến đặt lên vùng đất này, hoa lau có đẹp đến đâu cũng chỉ nở, chỉ phô bày vẻ đẹp như chưa từng có. Bởi vậy điệu thơ như có gì xa xót trước một vẻ đẹp bị lãng quên. Đó là chất thi sỹ, chất lãng mạn của người lính Tây Tiến được đánh thức trong phút giây giao cảm bất ngờ giữa hồn người và hồn tạo vật. Điều đáng chú ý, trong cảm nhận của những người lính ấy, hồn lau kia phải chăng còn là mảnh hồn người lính Tây Tiến gửi lại Mai Châu khi giã từ theo quy luật tình cảm rất kì diệu
mà Chế Lan Viên đã chiêm nghiệm:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
Đó cùng là tình cảm tha thiết mà người dân Miền Tây muốn dành cho những con người Tây Tiến trước lúc chia xa. Trên nền khung cảnh sông nước hoang dại như thời tiền sử đậm màu sắc cổ tích, huyền
thoại ấy lại thấy thấp thoáng bóng hình cô gái Miền Tây.
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Ta gặp ở đây một lối tạo hình rất cổ điển. Giữa dòng nước lũ mênh mang, mờ ảo, dữ dội, nhà thơ đưa nét bút chấm phá những đóa hoa rừng đong đưa như làm duyên cùng dòng nước, đồng thời chấm phá một dáng người mềm mại, uyển chuyển, duyên dáng, song cũng rất đỗi vững vàng, tự tin trên dáng thuyền độc mộc. Ngòi bút Quang Dũng không chỉ tả mà còn gợi tinh tế cái phần thiêng liêng của cảnh vật quê hương, xứ sở. Đọc câu thơ viết về thiên nhiên, cuộc sống, con người, ta cứ ngỡ mình được sống lại cảm giác mê say, ngỡ ngàng, thích thú khi được đắm mình vào những trang văn đầy chất thơ, nhạc, họa. Dựng cảnh bờ bãi, con sông trong tùy bút Người lái đò sông Đà trong tùy bút của Nguyễn Tuân: Cảnh ven sông tuổi xưa. con hươu thơ ngộ sương đêm. Có thể nói, ở đây có sự gặp gỡ kỳ diệu trong cách cảm nhận, diễn tả những vẻ đẹp miền Tây giữa một cây bút văn xuôi, thơ ca tài hoa ở những giai đoạn lịch sử khác nhau. Phải chăng sự gặp gỡ ấy có nguồn cội là chất tài hoa, nghệ sỹ của những người cầm bút, ở tình yêu, tiếng lòng tha thiết với những vẻ đẹp non sông gấm vóc tổ quốc ở những người nghệ sỹ đó và còn bởi chính vùng đất Tây Bắc tiềm tàng những vẻ đẹp nên thơ ấy.
Dòng thơ đưa người đọc vào thế giới riêng của miền Tây – của cái đẹp được tạo nên từ sự hài hòa của nhạc, thơ, họa. Lời thơ ngân nga như những điệu hát. Hình ảnh thơ mềm mại như những nét bút chấm phá tài hoa. Nó lưu giữ vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống, con người của một thời Tây Tiến. Làm sao có thể không nhớ một miền Tây hoang sơ mà thơ mộng, diễm lệ, trữ tình như thế. Làm sao có thể quên được những người lính hào hoa, thanh lịch như thế, một nghệ sỹ- chiến sỹ tài hoa, lãng mạn như thế.
3. So sánh
3.1. Giống nhau
Cả hai đoạn thơ đều miêu tả thiên nhiên Tây Bắc trên chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến. Thiên nhiên đều được diễn tả chân thành niềm thương, nỗi nhớ của mình với đồng đội cũ. Đó cùng là dòng cảm xúc chan chứa tiếc nuối về một vẻ đẹp thiên nhiên thuộc về quá khứ. Đó là nơi nhà thơ và đồng đội mình đi qua những thàng ngày gian khổ. Có thể nói, đây là khúc nhạc nền cho nỗi nhớ Tây Tiến chảy dọc mạch thơ Tây Tiến. Chiều sâu của nó là biểu hiện độc đáo nơi trang thơ Việt Nam những năm kháng chiến chống Pháp nói chung, nơi những dòng thơ Tây Tiến nói riêng.
3.2. Khác nhau
Nếu Tây Tiến là một bức tranh thì đoạn thơ thứ nhất là những nét vẽ rắn rỏi, cứng cỏi khắc họa không gian hùng vĩ, dữ dội như thử thách lòng người. Những khắc nghiệt kể ra mà người lính phải chịu đựng là nơi ngự trị của những âm u, hoang dã, của núi cao đèo sâu. Câu thơ mang cảm hứng bi tráng khi xây dựng chân dung người lính Tây Tiến. Họ ra đi chiến đấu với lời thề thiêng liêng: Quyết tử cho tổ quốc quyêt sinh. Mỗi cuộc ra đi đều không hẹn ngày trở về giống như một lời ca mang âm vang thời đó: Đoàn vệ quốc quân là có xa chi đâu ngày trở về.
Đoạn thơ thứ hai lại là những nét vẽ mềm mại, mơ hồ, huyền ảo bởi sương khói và sông nước. Tất cả được bao phủ bởi nỗi nhớ vừa như thực, vừa như hư, bồng bềnh, lan tỏa giữa không gian.
Nếu Tây Tiến là một bản nhạc thì trong đoạn thơ đầu chủ yếu tác giả sử dụng thanh trắc kết hợp với những từ láy khó đọc, các câu thơ ngắt nhịp 4/3, mà nhịp bốn chủ yếu diễn tả độ cao, nhịp ba chủ yếu diên tả độ sâu, những câu thơ bị bẻ đôi ở ranh giới của sự cao, sâu đã góp phần khắc họa ấn tượng về độ cao và độ sâu của địa hình nơi đây làm cho độ cao càng cao hơn, độ sâu càng sâu hơn. Thế những đến đoạn thơ thứ hai lại dàn trải đều đều theo những thanh bằng, rõ ràng nhịp điệu ấy đã góp phần tô rõ hơn những thân thuộc, những gần gũi, những phẳng lặng của bình yên của thiên nhiên của thiên nhiên sông nước nơi đây.
Kết luận
Đây là hai đoạn thơ tiêu biểu minh chứng rõ ràng nhất cho nhận xét: Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, Quang Dũng không chỉ đơn thuần là một nhà thơ, ông còn là một nhạc sĩ và còn là một họa sĩ. Với tài năng của Quang Dũng chỉ trong một đoạn thơ ngắn tác giả đã giúp ta cảm nhận được hai đặc trưng của thiên nhiên miền Tây Bắc: vừa hung vĩ, dữ dội, hiểm trở nhưng cũng hết sức thân thuộc gần gũi vì miền đất này cũng mang dáng dấp một miền quê hương xứ sở. Một đoạn thơ nhưng có họa, có nhạc, đó là những hình ảnh mang tính chất đối lập cùng sự phối hợp nhịp nhàng thanh điệu với nhạc điệu.

File đính kèm:

  • docxsang_tao_cua_nguoi_nghe_si_trong_nghe_thuat_la_khong_lap_lai.docx