Ôn tập Ngữ văn Lớp 9 - Nguyễn Du và Truyện Kiều

I.Tác gia Nguyễn Du:

1.Cuộc đời:

 a.Quê hương:

- Nguyễn Du sinh năm 1765, mất năm 1820, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên.

- Quê quán: làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

→Quê hương là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh nhiều nhân tài của đất nước (Danh y Hải Thượng Lãn Ông, thi hào Ng Du, cố Tổng Bí thư Trần Phú, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập ) Là cái nôi của văn hóa dân gian, sản sinh ra các làn điệu dân ca, ví giặm, gieo vào lòng Nguyễn Du tình yêu với văn chương, với ngôn ngữ dân tộc.

- Nguyễn Du sinh ra và lớn lên ở kinh thành Thăng Long nghìn năm văn hiến.

 b.Gia đình:

Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Cha là Nguyễn Nghiễm, đỗ tiến sĩ, từng giữ chức Tể tướng.

+ Mẹ ông là Trần Thị Tần, vợ thứ, người Bắc Ninh, có tài hát xướng.

+ Anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản, làm chức Tham tụng (ngang Thừa tướng) trong phủ chúa Trịnh.

-> Vì thế, mà lúc bấy giờ, trong dân gian người ta thường truyền tụng câu ca:

“Bao giờ Ngàn Hống hết cây

Sông Rum hết nước họ này hết quan”.

( “Ngàn Hống”: núi rừng Hồng Lĩnh; “Sông Rum” : sông Lam, ở đây là chữ Nôm cổ. Ý cả câu: Khi nào mà núi rừng Hồng Lĩnh không còn cây, dòng sông Lam không còn nước thì lúc đó dòng họ này mới hết người làm quan)

Chính điều này là cái nôi nuôi dưỡng tài năng văn học của Nguyễn Du.

Ông hiểu sâu sắc về giai cấp thống trị, có vốn tri thức sâu rộng.

 

docx 15 trang cucpham 01/08/2022 860
Bạn đang xem tài liệu "Ôn tập Ngữ văn Lớp 9 - Nguyễn Du và Truyện Kiều", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Ôn tập Ngữ văn Lớp 9 - Nguyễn Du và Truyện Kiều

Ôn tập Ngữ văn Lớp 9 - Nguyễn Du và Truyện Kiều
BÀI GIẢNG: NGUYỄN DU và TRUYỆN KIỀU
Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân
Bâng khuâng nhớ cụ, thương thân nàng Kiều...
..
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
Hỡi người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người!
 (Kính gửi cụ Nguyễn Du- Tố Hữu)
I.Tác gia Nguyễn Du:
1.Cuộc đời:
 a.Quê hương:
- Nguyễn Du sinh năm 1765, mất năm 1820, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên.
- Quê quán: làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
→Quê hương là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh nhiều nhân tài của đất nước (Danh y Hải Thượng Lãn Ông, thi hào Ng Du, cố Tổng Bí thư Trần Phú, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập) Là cái nôi của văn hóa dân gian, sản sinh ra các làn điệu dân ca, ví giặm, gieo vào lòng Nguyễn Du tình yêu với văn chương, với ngôn ngữ dân tộc.
- Nguyễn Du sinh ra và lớn lên ở kinh thành Thăng Long nghìn năm văn hiến.
 b.Gia đình: 
Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Cha là Nguyễn Nghiễm, đỗ tiến sĩ, từng giữ chức Tể tướng. 
+ Mẹ ông là Trần Thị Tần, vợ thứ, người Bắc Ninh, có tài hát xướng.
+ Anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản, làm chức Tham tụng (ngang Thừa tướng) trong phủ chúa Trịnh.
-> Vì thế, mà lúc bấy giờ, trong dân gian người ta thường truyền tụng câu ca:
“Bao giờ Ngàn Hống hết cây
Sông Rum hết nước họ này hết quan”.
( “Ngàn Hống”: núi rừng Hồng Lĩnh; “Sông Rum” : sông Lam, ở đây là chữ Nôm cổ. Ý cả câu: Khi nào mà núi rừng Hồng Lĩnh không còn cây, dòng sông Lam không còn nước thì lúc đó dòng họ này mới hết người làm quan)
Chính điều này là cái nôi nuôi dưỡng tài năng văn học của Nguyễn Du.
Ông hiểu sâu sắc về giai cấp thống trị, có vốn tri thức sâu rộng.
c. Thời đại: 
Cuộc đời Nguyễn Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII – XIX. 
-Đây là giai đoạn lịch sử đầy biến động với hai đặc điểm nổi bật là chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng, giai cấp thống trị thối nát.
-Phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, đỉnh cao là phong trào Tây Sơn.
-Nhân dân đói khổ, lưu lạc. 
Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết về thời đại Nguyễn Du sống:
“Cha ông ta từng đấm nát tay trước cánh cửa cuộc đời
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá
Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ”.
+ Bão táp phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn đánh đổ các tập đoàn phong kiến thống trị, quét sạch hai mươi vạn quân Thanh xâm lược.
- Thời đại ấy đã được Nguyễn Du viết trong “Truyện Kiều” bằng hai câu thơ mở đầu:
“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
→Yếu tố thời đại đã ảnh hưởng sâu sắc tới ngòi bút của Nguyễn Du khi viết về hiện thực đời sống.
d.Cuộc đời: 
- Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, bản thân lại có năng khiếu văn chương nhưng thời đại Nguyễn Du do những biến động xã hội nên gia đình cũng như bản thân ông cũng có những thăng trầm, sa sút.
- Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cuộc đời Nguyễn Du phải trải qua những năm tháng gian truân, trôi dạt, vất vả, long đong (Trải qua “mười năm gió bụi” Nguyễn Du lang thang hết ở quê vợ, rồi quê mẹ, quê cha trong nghèo túng, hết sức khổ cực và tủi nhục).
- Nguyễn Du có ra làm quan cho triều Nguyễn Gia Long, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau: Tham tri bộ Lễ, Cai bạ Quảng Bình, Chánh sứ bộNhưng đó là những năm tháng làm quan bất đắc chí.
-Cuộc đời từng trải, phiêu bạt nhiều năm trên đất Bắc, đi nhiều, tiếp xúc nhiều đã tạo cho Nguyễn Du vốn sống phong phú và niềm thông cảm sâu sắc với những đau khổ của nhân dân. Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.
- Là người có hiểu biết sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc.
- Nhà thơ đã sống nhiều năm lưu lạc, tiếp xúc với nhiều con người, nhiều cảnh đời, nhiều số phận khác nhau, đã tạo cho ông một vốn sống phong phú và niềm cảm thông sâu sắc với mọi kiếp người bị đày đọa.
- Nguyễn Du là người có trái tim giàu lòng nhân ái, nhìn đời với con mắt của một người đứng giữa giông tố cuộc đời và điều đó khiến tác phẩm của ông hàm chứa một chiều sâu chưa từng có trong văn thơ Việt Nam.
→Quê hương, gia đình, thời đại và cuộc đời truân chuyên đã kết tinh ở Nguyễn Du thành một thiên tài văn học kiệt xuất, trở thành đại thi hào của văn học Việt Nam, là danh nhân văn hóa thế giới, là bậc thầy trong việc sử dụng tiếng Việt. 
2.Sự nghiệp sáng tác: 
 a.Tác phẩm:
Nguyễn Du là tác giả có nhiều thành tựu kiệt xuất về văn chương, ở thể loại nào ông cũng đạt được sự hoàn thiện.
- Về thơ chữ Hán, ông có ba tập thơ:
+ “Thanh Hiên thi tập” được viết trước khi ông ra làm quan cho nhà Nguyễn.
+ “Nam trung tạp ngâm” viết trong thời gian ông ở Huế, Quảng Bình.
+ “Bắc hành tạp lục”viết trong thời gian Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc.
- Về chữ Nôm: có bài “Văn chiêu hồn” (Văn tế thập loại chúng sinh) được viết theo thể thơ song thất lục bát dài 184 câu. Đặc biệt là “Truyện Kiều” 3254 câu thơ lục bát, tác phẩm này đã đưa Nguyễn Du lên đỉnh cao của nền thi ca dân tộc.
 b.Đặc điểm sáng tác:
 Các tác phẩm đều thể hiện tư tưởng, tình cảm, nhân cách của tác giả
    + Thể hiện tư tưởng nhân đạo: đề cao giá trị nhân văn. Các tác phẩm đó đều thể hiện sự cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du đối với cuộc sống của con người, nhất là những người nhỏ bé, bất hạnh, ... đó là kết quả của quá trình quan sát, suy ngẫm về cuộc đời, về con người của tác giả.
    + Lên án, tố cáo những thế lực đen tối chà đạp con người.
II.Truyện Kiều:
 1.Thể loại:
-Viết bằng chữ Nôm
-Thể loại: thơ lục bát
-Dài 3254 câu thơ
Gồm 3 phần: +Gặp gỡ và đính ước
 +Gia biến và lưu lạc
 +Đoàn tụ
 2.Nguồn gốc, xuất xứ:
Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” vào đầu thế kỉ XIX (1805 –1809). Truyện dựa theo cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Lúc đầu, Nguyễn Du đặt tên là “Đoạn trường tân thanh” ( Khúc ca mới đứt ruột hoặc Tiếng kêu đứt ruột) sau này đổi tên thành “Truyện Kiều”.
- Một biểu hiện nữa về sự sáng tạo của Nguyễn Du qua “Truyện Kiều” là:
+ “Kim Vân Kiều truyện” viết bằng chữ Hán, thể loại văn xuôi, có kết cấu thành từng chương (hồi). Toàn bộ tác phẩm gồm 20 chương.
+ Đến Nguyễn Du đã trở thành tác phẩm trữ tình,viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát có độ dài 3254 câu. Ông đã có những sáng tạo lớn về nhiều mặt nội dung cũng như nghệ thuật.
3.Tóm tắt:
   Thuý Kiều là người con gái tài sắc của một gia đình trung lưu nền nếp, con gái đầu lòng của ông bà Vương viên ngoại. Trong tiết Thanh minh, Thuý Kiều tình cờ gặp Kim Trọng, một thư sinh nho nhã. Họ yêu nhau rổi hẹn ước thề nguyện. Kim Trọng về quê thọ tang chú. Vương viên ngoại bị thằng bán tơ vu oan. Gia đình tan nát, cha và em trai bi bắt bớ, đánh đập, Thuý Kiều đành phải bán mình chuộc cha. Trước khi ra đi, nàng nhờ Thúy Vân kết duyên cùng Kim Trọng. Mã Giám Sinh mua Kiều về Lâm Tri. Tú Bà ép nàng làm gái lầu xanh, nàng phản kháng nhưng không thoát khỏi số phận. Nàng được Thúc Sinh cưới làm vợ lẽ, nhưng chẳng được bao lâu thì bị vợ cả là Hoạn Thư ghen ghét, đọa đày. Nàng trốn thoát nhưng lại rơi vào lầu xanh lần thứ hai. Nàng gặp người anh hùng Từ Hải và trở thành vợ chàng rồi được chàng giúp báo ân, báo oán. Bị mắc lừa Hổ Tôn Hiến, Thuý Kiểu đẩy Từ Hải vào chỗ chết. Kiều đau đớn nhảy xuổng sồng Tiền Đường tự vẫn. Sư Giác Duyên cứu nàng. Kim Trọng kết duyên với Thúy Vân nhưng lòng vẫn thương nhớ Kiều. Chàng và gia đình tìm gặp Kiều. Thuý Kiểu quyết định hai người chỉ nên là bạn tri kỉ.
4. Giá trị của tác phẩm :
a.Giá trị nội dung:
* Giá trị hiện thực:
 *Truyện Kiều phản ánh bộ mặt tàn bạo của tầng lớp thống trị, sức mạnh của đồng tiền và thế lực hắc ám chà đạp lên quyền sống của con người.
- Bọn quan lại :tham lam, đê tiện, bỉ ổi
“Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”.
+ Viên quan xử kiện vụ án Vương ông vì tiền chứ không vì lẽ phải.
“Tính bài lót đó luồn đây,
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”.
+ Quan tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến là kẻ bất tài, nham hiểm, bỉ ổi và trâng tráo.
- Sức mạnh đồng tiền có thể làm đổi trắng thay đen, biến con người thành hàng hóa để mua bán.
-« Trong tay đã có đồng tiền
Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì ? »
-“Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.
- Thế lực hắc ám: Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh là những kẻ táng tận lương tâm, bọn buôn thịt bán người, bọn ma cô, lưu manh tàn ác. Vì tiền, chúng sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm và số phận con người lương thiện.
-> Tác giả lên tiếng tố cáo bộ mặt xấu xa bỉ ổi của chúng.
* Truyện Kiều phơi bày nỗi khổ đau của những con người bị áp bức, đặc biệt là người phụ nữ.
+ Vương Ông bị mắc oan, cha con bị đánh đập dã man, gia đình tan nát.
+ Đạm Tiên, Thuý Kiều là những người phụ nữ đẹp, tài năng, vậy mà kẻ thì chết trẻ, người thì đoạ đày, lưu lạc suốt 15 năm.
-> Truyện Kiều là tiếng kêu thương của những người lương thiện bị áp bức, bị đoạ đày.
* Giá trị nhân đạo:
- “Truyện Kiều” là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lí và ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người:
+ Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã thể hiện ước mơ đẹp đẽ của mình về một tình yêu tự do, trong sáng, chung thủy trong xã hội mà quan niệm hôn nhân phong kiến còn hết sức khắc nghiệt. Mối tình Kim – Kiều được xem như là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc.
+ Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du còn thể hiện khát vọng công lí tự do, dân chủ giữa một xã hội bất công, tù túng đầy ức chế, tàn bạo. Nguyễn Du đã xây dựng nhân vật Từ Hải – người anh hùng hảo hán, một mình dám chống lại cả cái xã hội bạo tàn ấy. Từ Hải là khát vọng của công lí, là biểu tượng cho tự do dân chủ.
+ Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du còn ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người: vẻ đẹp tài sắc, trí tuệ thông minh, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, ý thức vị tha, đức thủy chung. Thúy Kiều, Từ Hải là hiện thân cho những vẻ đẹp đó!
 +Là tiếng nói xót thương, cảm thông cho số phận bất hạnh của người phụ nữ đẹp người đẹp nết bị đẩy đến đường cùng.
-> Phải là người giàu lòng yêu thương, biết trân trọng và đặt niềm tin vào con người Nguyễn Du mới sáng tạo nên Truyện Kiều với giá trị nhân đạo lớn lao như thế.
b. Giá trị nghệ thuật:
Truyện Kiều được coi là đỉnh cao nghệ thuật của Nguyễn Du.
- Với truyện Kiều, nghệ thuật tự sự đã có bước phát triển vượt bậc, sáng tạo. Nguyễn Du có biệt tài kể chuyện và giới thiệu nhân vật một cách ngắn gọn và sinh động. Chỉ bằng vài câu thơ, ông đã giúp người đọc hiểu được tình huống, tính cách, tâm trạng của từng nhân vật.
Vd1: Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng
 ( Kiều ở lầu Ngưng Bích)
→ Nỗi tủi hổ vì mình từ cô gái khuê các rơi vào chốn lầu xanh nhơ nhớp, nàng tự xấu hổ với chính mình. Nỗi cô đơn trơ trọi chỉ biết làm bạn với mây sớm đèn khuya từ sáng sớm đến tối khuya, từ ngày này sang ngày khác. Cảnh ấy, tâm tình này biết tâm sự cùng ai? Nỗi buồn tủi cô đơn của nàng dường như thấm cả vào cảnh vật.
Vd 2: Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung (Trao duyên)
→Nàng trao duyên cho em là Thúy Vân, nhờ em kết duyên cùng Kim Trọng để khỏi phụ nghĩa với Kim Trọng. Nhưng chàng Kim lại là mối tình đầu trong sáng với bao khát vọng hạnh phúc tình yêu của nàng. Lí trí bảo nàng phải trao kỉ vật tình yêu cho em nhưng tình cảm lại giằng xé tâm can, nàng không nỡ, nàng muốn trong kỉ vật tình yêu trao gửi cho em đó, vẫn còn có một phần của nàng. Có lẽ trái tim có lý lẽ riêng của nó, nó không thể đi theo quy luật logic của lí trí được. Có thể nói Nguyễn Du đã thật tài tình khi tái hiện một cách chân thực sinh động tâm trạng, nỗi đau giằng xé, những đấu tranh mâu thuẫn kịch liệt trong tâm trạng của Kiều khi phải trao duyên cho Thúy Vân.
- Về nghệ thuật xây dựng nhân vật: Các nhân vật của Nguyễn Du vừa có nét riêng nổi bật, vừa có nét điển hình, thể hiện được thần thái của nhân vật. Nguyễn Du đã tạo ra những mẫu người với những tính cách tiêu biểu cho cái đẹp, cái xấu, cái thiệu, cái ác... trong xã hội phong kiến suy tàn, thối nát.
Tác giả khắc hoạ nhân vật qua phương thức tự sự, miêu tả chỉ bằng vài nét chấm phá mỗi nhân vật trong Truyện Kiều hiện lên như một chân dung sống động. Nhân vật chính diện thường được xây dựng theo lối lý tưởng hoá, được miêu tả bằng những biện pháp ước lệ, nhưng rất sinh động. Nhân vật phản diện của Nguyễn Du chủ yếu được khắc hoạ theo lối hiện thực hoá, bằng bút pháp tả thực, cụ thể và rất hiện thực (miêu tả qua ngoại hình, ngôn ngữ, hành động của nhân vật).
Vd 1 : Nhân vật được lý tưởng hóa
- Kim Trọng : một thư sinh nho nhã, hào hoa
Nguyên người quanh quất đâu xa,
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.
Nền phú hậu bậc tài danh,
Văn chương nết đất thông minh tính trời.
Phong tư tài mạo tót vời,
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa.
-Từ Hải : người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất, kiêu hùng, lẫm liệt
Râu hùm, hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
Câu thơ nêu bật tính chất phi thường, xuất chúng của anh hùng Từ Hải: ngang tàng, bất khuất, tung hoành, khát vọng tự do, coi thường công danh vào luồn cúi:
Đội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ, tên Hải, vốn người Việt Đông.
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
Từ Hải là người anh hùng lý tưởng mang khát vọng tự do, một trong ba nhân vật rất đẹp, thể hiện cảm ứng nhân văn trong Truyện Kiều:  Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải.
Vd2: Nhân vật được hiện thực hóa
-Nhân vật Mã Giám Sinh được miêu tả: 
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
Trước thày sau tớ lao xao,
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang,
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”
“Trước thầy sau tớ” có vẻ rất đàng hoàng, trịnh trọng, nhưng “lao xao” lại là ồn ào, lộn xộn mất trật tự. Cả tớ lẫn thầy đều chẳng giữ ý tứ khi vào nhà Vương ông. Vừa vào đến nơi Mã Giám Sinh đã “ngồi tót' ở “ghế trên" một cách "sỗ sàng”. Động tác ngồi của y càng chứng tỏ y là kẻ vô học trịch thượng hợm hĩnh. Một người  thực sự là sinh viên trường Quốc Tử Giám ít nhất phải thanh nhã, lịch thiệp chứ không thể có hành động của kẻ thất học như thế.
-Nhân vật Tú Bà:
“Lầu xanh có mụ Tú Bà
Làng chơi đã trở về già hết duyên
Thoắt trông nhờn nhợt mầu da,
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao?”
Câu thơ Nguyễn Du đã tái hiện cuộc sống chốn phong trần của mụ, nơi lấy ngày làm đêm cho nên mới có màu da “nhờn nhợt” thiếu ánh sáng mặt trời, không lao động nên mụ có thân thể béo tốt “đẫy đà”, cao lớn.
Tú Bà đã trở thành nhân vật điển hình gắn với đời sống, cứ nói đến những mụ chủ chứa của những nơi buôn bán thân xác phụ nữ thì người ta lại gọi là những mụ “Tú Bà”
-Sở Khanh là tên riêng của một người con trai, có lẽ khi chưa gặp nàng Kiều thì cái tên ấy nó cũng vô tội và tầm thường như trăm ngàn những cái tên khác. Nó chỉ nổi tiếng và trở thành tên chung để gọi đám lưu manh, dâm đãng, chuyên lường gạt ái tình đàn bà con gái sau khi Sở Khanh âm mưu với mụ Tú Bà để đưa nàng Kiều vào bẫy. Ta hãy nghe cụ Nguyễn Du tả:
“Một chàng vừa trạc thanh xuân
Hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng
Nghĩ rằng cũng mạch thư hương
Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.
..Thừa cơ lẻn bước ra đi,
Ba mươi sáu chước chước gì là hơn?
..Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,
Một tay chôn biết mấy cành phù dung”.
Chỉ một từ “lẻn” thật đặc biệt, độc đáo Nguyễn Du đã tái hiện hành động lén lút, thiếu quang minh chính đại của Sở Khanh, nêu lên bản chất của kẻ chuyên lừa gạt phụ nữ của hắn.
-Ðặc biệt chỉ có Hoạn Thư là người đã làm cho Kiều điên đảo, khổ sở hơn ai hết thì lại được tha chỉ nhờ ba tấc lưỡi. Hoạn Thư được xem là một luật sư tài giỏi nhất trong Truyện Kiều bởi vì đã tự bào chữa thành công cho chính mình, thoát khỏi sự trừng phạt của Kiều. 
“Rằng tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Nghĩ cho khi gác viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng riêng những kính yêu,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”.
Hoạn Thư đã trở thành nhân vật điển hình cho thói tuông của người phụ nữ. Mà cái ghen kiểu Hoạn thư thì cũng thật độc đáo, đặc biệt: độc ác, lạnh lùng, tỉnh táo. Sai bọn côn đồ bắt Kiều, đốt nhà giả vờ vứt một xác chết vào đấy để tạo hiện trường giả khiến mọi người tưởng Kiều đã chết. Đi đường tắt, về trước Thúc Sinh, đánh cho Kiều thừa sống thiếu chết rồi bắt nàng làm người ở. Khi Thúc Sinh về nhà, Hoạn Thư mở tiệc tẩy trần cho chồng, bắt Kiều đánh đàn hầu hạ:
“Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”
Ghen được như Hoạn Thư thật cũng làm người ta khiếp vía.
- Nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Du đạt đến đỉnh cao. Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên đa dạng, bên cạnh bức tranh thiên nhiên chân thực sinh động (Cảnh ngày xuân), có những bức tranh tả cảnh ngụ tình đặc sắc (Kiều ở lầu Ngưng Bích). Nghệ thuật tả cảnh, tả tình, tả người đều đạt đến mức điêu luyện.
- Nguyễn Du đã biến thể thơ lục bát viết bằng chữ Nôm truyền thống của dân tộc trở thành một hình thức thơ trang nhã và hấp dẫn.
- Về ngôn ngữ: ngôn ngữ trong truyện Kiều hết sức giàu và đẹp, đạt đến đỉnh cao ngôn ngữ nghệ thuật. Ngôn ngữ trong sáng, phong phú, trau chuốt và giàu sức biểu cảm. Ngôn ngữ dân gian (ca dao, tục ngữ, thành ngữ) kết hợp nhuần nhuyễn với ngôn ngữ bác học (sử dụng điển tích, thi liệu văn học cổ Trung Hoa). Ngôn ngữ nhân vật được cá tính hoá cao độ, nhân vật nào ngôn ngữ ấy, không thể lẫn lộn. Tác giả sử dụng từ Hán - Việt, các điển tích, điển cố rất đúng chỗ, phép đối rất chỉnh. Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nâng Tiếng Việt lên đỉnh cao chói lọi; làm nên một kiệt tác bất hủ.
Nguyễn Du vận dụng ca dao một cách sáng tạo:
-Ca dao: Vầng trăng ai xẻ mà đôi
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng
-Tr Kiều: Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
Nửa vầng trăng theo Kiều về với căn phòng cô đơn chiếc bóng, nửa vầng trăng kia theo Thúc sinh xuôi ngược trên muôn dặm đường trường. Chắc có lẽ vì tài sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của Nguyễn Du đã miêu tả sâu sắc tâm trạng của người đi kẻ ở mà đoạn trích Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều đã trở thành đoạn thơ hay nhất trong Truyện Kiều khi miêu tả về những cuộc chia ly. 
5. Ảnh hưởng của tác phẩm:
- “Truyện Kiều” hàng trăm năm được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả.
+“Truyện Kiều” không biết tự bao giờ đã đi vào đời sống của nhân dân, và đã trở thành lời ăn tiếng nói của những người dân bình dị nhất cho đến những người trí thức, am hiểu về văn chương bác học.
+ Trong ca dao, người ta thấy có rất nhiều câu có vận dụng những hình ảnh trong “Truyện Kiều”. Ví dụ:
“Sen xa hồ, sen khô hồ cạn,
Liễu xa đào liễu ngả liễu nghiêng.
Anh xa em như bến xa thuyền.
Như Thúy Kiều xa Kim Trọng, biết mấy niên cho tái hồi!”
+ “Truyện Kiều” đã trở thành sức sống của dân tộc, là thứ thưởng ngoạn cho tao nhân mặc khách của mọi thời. Có câu:
“Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà mạn hảo, xem Nôm Thúy Kiều”.
- “Truyện Kiều” còn được giới thiệu rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Người ta đã dịch“Truyện Kiều” ra nhiều thứ tiếng và nhiều người nước ngoài đã nghiên cứu về “Truyện Kiều”.

File đính kèm:

  • docxon_tap_ngu_van_lop_9_nguyen_du_va_truyen_kieu.docx