Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Sở giáo dục vào đào tạo Nam Định (Có đáp án)

Câu 1 (1,0 điểm):

Có một câu văn như sau:

“Dưới bầu trời trong xanh, trên một khuôn viên thoáng đãng cạnh hồ Vị Xuyên, ở trung tâm thành phố Nam Định, tượng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đứng lồng lộng, uy nghiêm.”

- Em hãy chỉ ra bộ phận chủ ngữ, vị ngữ chính trong câu văn?

- Vì sao khi viết một câu văn thông thường cần phải có đủ chủ ngữ và vị ngữ?

Câu 2 (3,0 điểm):

Nêu các cách trình bày nội dung trong một đoạn văn? (không vẽ lược đồ)

Viết một đoạn văn (gồm ít nhất 3 câu văn) trình bày theo cách song hành, có nội dung nói về vai trò của ngôn ngữ trong giao tiếp.

 

doc 37 trang cucpham 01/08/2022 2160
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Sở giáo dục vào đào tạo Nam Định (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Sở giáo dục vào đào tạo Nam Định (Có đáp án)

Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Sở giáo dục vào đào tạo Nam Định (Có đáp án)
Sở giáo dục - Đào tạo
Nam Định
Đề Chính Thức
Số báo danh:......
Chữ ký giám thị 1:
............................
 Đề thi tuyển sinh lớp 10
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
Năm học 2001 – 2002
Môn thi: Văn – Tiếng Việt
Đề chung
Thời gian làm bài: 150 phút
Ngày thi: 3-7-2001
Câu 1 (1,0 điểm):
Có một câu văn như sau:
“Dưới bầu trời trong xanh, trên một khuôn viên thoáng đãng cạnh hồ Vị Xuyên, ở trung tâm thành phố Nam Định, tượng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đứng lồng lộng, uy nghiêm.”
- Em hãy chỉ ra bộ phận chủ ngữ, vị ngữ chính trong câu văn?
- Vì sao khi viết một câu văn thông thường cần phải có đủ chủ ngữ và vị ngữ?
Câu 2 (3,0 điểm):
Nêu các cách trình bày nội dung trong một đoạn văn? (không vẽ lược đồ)
Viết một đoạn văn (gồm ít nhất 3 câu văn) trình bày theo cách song hành, có nội dung nói về vai trò của ngôn ngữ trong giao tiếp.
Câu 3 (6,0 điểm):
Phân tích hình ảnh anh bộ đội trong bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu. Trước khi phân tích, hãy ghi lại theo trí nhớ bài thơ đó.
------------------------------------------
Sở giáo dục - Đào tạo
Nam Định
------
Hướng dẫn chấm
Môn : Văn – Tiếng Việt (Đề chung)
Đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2001 – 2002
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
Câu 1 (1,0 điểm):
1- Xác định đúng chủ ngữ và vị ngữ chính của câu. (0,5 điểm)
CN: “tượng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn”
VN: “đứng lồng lộng, uy nghiêm”.
2- Nêu được ý cơ bản: Câu văn thông thường mang nội dung thông báo cụ thể. Chủ ngữ và vị ngữ làm cho thông báo đó trở nên tương đối trọn vẹn. Trừ những trường hợp dùng câu đặc biệt hoặc câu rút gọn thành phần, trong các trường hợp thông thường, nếu câu thiếu vị ngữ bị coi là “câu cụt”, câu thiếu chủ ngữ bị coi là “câu què”, ý nói câu đó không hoàn chỉnh một thông tin.
 (0,5 điểm)
Câu 2 (3,0 điểm ):
Yêu cầu 1: Nêu đúng 4 cách trình bày nội dung đoạn văn: (1,5 điểm)
+ Diễn dịch là cách trình bày ý đi từ ý chung, khái quát, đến các ý chi tiết, cụ thể làm sáng tỏ ý chung. Theo đó, câu mang ý khái quát được đặt ở đầu đoạn văn, các câu mang ý chi tiết, cụ thể đặt sau nó.
+ Quy nạp là cách trình bày đi từ ý chi tiết, cụ thể rút ra ý chung, khái quát. Theo đó, câu mang ý khái quát đứng ở sau các câu kia và nó có tư cách câu chốt của đoạn văn.
+ Móc xích là cách sắp xếp ý nọ tiếp ý kia theo lối ý sau móc nối vào ý trước (qua những từ ngữ cụ thể) để bổ sung giải thích cho ý trước.
+ Song hành là cách sắp xếp các ý ngang nhau, không có hiện tượng ý này bao quát ý kia hoặc ý này móc vào ý kia.
+ Sau khi nêu 4 cách nói trên, nhấn mạnh được ý: Bốn cách trình bày nội dung đoạn văn nói trên được dùng kết hợp và linh hoạt trong khi viết bài văn.
Yêu cầu 2: Viết được một đoạn văn (ít nhất là 3 câu văn) theo cách trình bày song hành, có nội dung về vai trò của ngôn ngữ trong giao tiếp. (1,5 điểm).
Ví dụ học sinh có thể viết: “Trong cuộc sống, ngôn ngữ là lời ăn tiếng nói biểu hiện tư tưởng tình cảm con người. Trong học tập, ngôn ngữ chính là công cụ để nhận thức và tư duy. Trong sáng tác và thưởng thức, ngôn ngữ là chất liệu để sáng tác văn thơ, là tín hiệu thẩm mỹ để hiểu vẻ đẹp văn chương...”
* Nếu viết được 2 câu đúng cách liên kết song hành cũng cho 1,0 điểm. Nếu mới viết được 1 câu, thì không cho điểm, vì chưa biết cụ thể HS có biết cách trình bày theo cách liên kết song hành không.
Câu 3 (6,0 điểm) : Phân tích hình ảnh anh bộ đội trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.
Để yêu cầu phân tích bài thơ có định hướng cụ thể. Vì vậy trong quá trình phân tích phải bám vào các chi tiết, các biện pháp nghệ thuật cụ thể trong bài thơ, so sánh hợp lý để làm nổi bật được vẻ đẹp của hình ảnh anh bộ đội giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp trong thơ Chính Hữu.
Với đối tượng HS lớp 9, những yêu cầu chính là:
I – Yêu cầu về nội dung bài văn: (5,0 điểm)
1 – Giới thiệu được vài nét về hoàn cảnh sáng tác bài thơ và tác giả Chính Hữu 
(0,5 điểm)
Giám khảo tham khảo phần tiểu dẫn SGK lớp 9 tập II, các em đã được học, có in ở cuối đáp án này.
2 – Những yêu cầu cụ thể khi phân tích hình ảnh anh bộ đội trong bài thơ: 
(0,5 điểm)
+ Phân tích được cách giới thiệu độc đáo của bài thơ về hoàn cảnh xuất thân của anh bộ đội – những người lính cách mạng. Cuộc kháng chiến đầy gian khổ để bảo vệ Tổ quốc đã tạo nên cuộc gặp gỡ giữa những “người xa lạ” nhưng đã trở thành “tri kỷ”.
+ Cảm nhận và phân tích được dụng ý nghệ thuật của nhà thơ Chính Hữu về cách đặt nhan đề cho bài thơ “Đồng chí”. Hai tiếng “đồng chí” (đặt riêng thành một dòng thơ) vừa giản dị gần gũi vừa thiêng liêng mới mẻ cất lên từ hiện thực cuộc chiến tranh cách mạng do chính những anh bộ đội vốn xuất thân từ những vùng quê nghèo tự nhận thức ra.
+ Đi sâu phân tích những biểu hiện giản dị và cảm động tình đồng chí của anh bộ đội: Cùng chung nhận thức về nhiệm vụ cách mạng, cùng chung tình yêu và nỗi nhớ quê hương, cùng chia ngọt sẻ bùi để vượt qua thiếu thốn, khó khăn gian khổ của cuộc đời người lính...
(Khai thác các yếu tố hình ảnh, nhịp điệu và giọng điệu của bài thơ để thấy chất tự sự trữ tình đã làm cho hình ảnh tâm trạng anh bộ đội hiện lên chân thực đơn sơ mà ấm áp tình đồng chí)
+ Liên tưởng so sánh với hình ảnh người lính công cụ của chiến tranh phi nghĩa thời phong kiến trong bài ca dao “Ngang lưng thì thắt bao vàng, đầu đội nón dấu vai mang súng dài... Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”; để thấy sự tương phản đối lập về sự trang bị bên ngoài và cái chất thực bên trong của họ; từ đó khẳng định nét đẹp mới mẻ của hình ảnh anh bộ đội trong bài thơ “Đồng chí”.
+ Cảm nhận và phân tích được đoạn kết bài thơ với hình ảnh độc đáo “Đầu súng trăng treo”. Giá trị thực và ý nghĩa tượng trưng của hình tượng này đối với việc khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của anh bộ đội.
3- Nhận xét về nghệ thuật biểu hiện hình ảnh anh bộ đội của bài thơ 
(0,5 điểm). 
So sánh với những bài thơ cùng viết về anh bộ đội trong kháng chiến chống Pháp để thấy nét đẹp của thơ kháng chiến: Mỗi bài thơ như bức chân dung tự hoạ của anh bộ đội – nhà thơ, hiện thực mà lãng mạn, chân thật giản dị mà sâu lắng bay bổng..., trong đó bài “Đồng chí” là một kết tinh tiêu biểu. Bút pháp tả thực đã tạo nên sự hàm xúc, mộc mạc, phù hợp với cuộc đời gian khổ của anh bộ đội; chất lãng mạn cất lên ở hình tượng cuối bài thơ đã thể hiện một cách sinh động phẩm chất cách mạng và chất lãng mạn trong tâm hồn của người chiến sĩ...
II- Ghi theo trí nhớ bài thơ “Đồng chí” 	(0,5 điểm)
Chép thuộc liên tục được 2 khổ thơ (cho 0,25 điểm), chép thuộc cả bài thơ (cho 0,5 điểm). Chép thuộc dưới 2 khổ thơ không có điểm (vì trong kỳ thi này đây chỉ là yêu cầu thuộc bài).
III- Yêu cầu về hình thức bài văn 	(0,5 điểm)
Kết cấu bài văn hợp lý, bài tương đối hoàn chỉnh, trình bày sạch sẽ. 
Cách chấm điểm câu 3:
+ Điểm 4,5 đến 6,0: Tuỳ mức độ, hiểu được bài thơ, đáp ứng được hầu hết các yêu cầu trên, lỗi không đáng kể.
+ Điểm 3,0 đến dưới 4,5: Tuỳ mức độ, tuy đã hiểu được bài thơ, có ý thức bám sát văn bản để phân tích hình ảnh anh bộ đội, nhưng khả năng liên tưởng – so sánh còn hạn chế; có thể còn mắc một số lỗi diễn đạt nhưng không trầm trọng.
+ Điểm 1,0 đến dưới 3,0: Tuỳ mức độ, chủ yếu thuật dựng hình ảnh, năng lực cảm thụ phân tích hạn chế, diễn đạt còn vụng về, còn mắc lỗi trong diễn đạt.
+ Điểm dưới 1,0: Nói chung là chưa thuộc bài thơ đề cập đến hình ảnh anh bộ đội nhưng ý chung chung, diễn đạt rất yếu.
+ Điểm 0: Bỏ giấy trắng hoặc có viết nhưng sai lạc hoàn toàn yêu cầu đề.
giám khảo lưu ý:
1- Điểm toàn bài là tổng điểm của 3 câu, giữ nguyên điểm lẻ đến 0,25 điểm.
2- Đáp án này có kèm theo văn bản thơ có liên quan đến đề bài để tham khảo.
Sở giáo dục - Đào tạo
Nam Định
Đề Chính Thức
Số báo danh:......
Chữ ký giám thị 1:
............................
Đề thi tuyển sinh lớp 10
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
Năm học 2001 – 2002
Môn thi: Văn – Tiếng Việt
Đề chuyên
Thời gian làm bài: 150 phút
Ngày thi: 4-7-2001
Câu 1 (1,0 điểm):
Thế nào là tính từ? Cho ví dụ. Hãy viết một câu đơn có sử dụng một tính từ làm bộ phận chủ ngữ.
Câu 2 (3,0 điểm):
Trình bày ngắn gọn hoàn cảnh nảy sinh tâm trạng nhân vật Thuý Kiều trong đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du); chọn ra trong đoạn trích này một câu thơ có ý nghĩa khái quát tâm trạng của Thúy Kiều lúc đó; nêu những biểu hiện đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích (không phân tích).
Câu 3 (6,0 điểm):
Phân tích bài thơ “Thu điếu” (Câu cá mùa thu) của Nguyễn Khuyến. Kết hợp với sự hiểu biết của em về thơ, hãy cho biết những yếu tố nào đã góp phần tạo nên một bài thơ hay.
------------------------------------------
Sở giáo dục - Đào tạo
Nam Định
------
Hướng dân chấm
Môn : Văn – Tiếng Việt (Đề chuyên)
Đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2001 – 2002
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
Câu 1 (1,0 điểm):
- Nêu được ý cốt lõi: Tính từ là loại từ chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng... (0,25 điểm).
- Cho ví dụ đúng, như: xanh, lạnh, long lanh... (0,25 điểm)
- Viết được 1 câu đơn có 1 tính từ làm chủ ngữ, ví dụ: Dịu dàng là nét đẹp của nữ sinh. hoặc Đen như cột nhà cháy... (0,5 điểm).
Câu 2 (3,0 điểm ):
1- Nêu được ý chính về hoàn cảnh nảy sinh tâm trạng Thuý kiều trong trích đoạn, diễn đạt suôn sẻ. (1,5 điểm) Tập trung vào ý chính:
+ Sau hàng loạt những bi kịch đau xót: Gia đình bị hoạ oan khuất, Kiều bán mình chuộc cha, trao duyên cho Thuý Vân, những tưởng đổi lấy cuộc sống yên phận, ai ngờ Mã Giám Sinh giả danh cưới làm thiếp để đem Kiều về lầu xanh của Tú Bà. Bị Mã Giám Sinh lừa gạt và làm nhục, bị Tú Bà đánh đập tàn nhẫn, Kiều định tự tử, nhưng không xong. Sợ Kiều tự tử, mất món hàng vừa bỏ vốn mua về, Tú Bà đã cho Kiều ra ở lầu Ngưng Bích, chờ dịp dở “mưu ma chước quỷ”, buộc nàng phải làm gái lầu xanh.
+ Bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, sống như một cô gái cấm cung, đau đớn lo sợ về một tương lai mù mịt, vốn là tâm hồn nhạy cảm, nàng đã sống lại với quá khứ và suy tư về thực tại phũ phàng đang phải trải qua.
+ Thi hào Nguyễn Du đã đặt Kiều sống trong cảnh ngộ ấy, để cho nàng tự bộc lộ tâm trạng. Đoạn tr ...  tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích là người làng không sai rồi. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi ! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian ! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước... Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa? ...
(SGK Ngữ văn 9 tập 1, trang 166)
1. Đoạn văn trên thể hiện nội dung gì?
2. Nội dung ấy được biểu đạt bằng hình thức nghệ thuật như thế nào?
Câu 3 (5,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: Bài thơ “Nói với con”, bằng những từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi cảm, qua lời nhắn nhủ thiết tha với con, nhà thơ Y Phương đã thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình.
Phân tích bài thơ để làm nổi bật sức hấp dẫn của nội dung đó.
-----Hết-----
Họ và tên thí sinh:
Số báo danh:.
Chữ ký của giám thị 1:..
Chữ ký của giám thị 2:..
Sở giáo dục - Đào tạo
Nam Định
Đề chính thức
Hướng dẫn chấm thi tuyển sinh lớp 10
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong
Năm học 2007 – 2008
Môn: Ngữ văn (đề chuyên)
Câu
Mục đích - Yêu cầu
Điểm
1
* Mục đích: Kiểm tra kiến thức về hai bộ phận văn học dân gian và văn học viết, qua đó rèn kỹ năng tổng hợp vấn đề, bước đầu giúp học sinh nắm được một vấn đề lý luận: đặc trưng văn học.
* Yêu cầu: 
1) Học sinh cần nêu ra nét chung giữa văn học dân gian và văn học viết như sau: 
2,0
- Về nội dung: Văn học dân gian và văn học viết đều lấy cuộc sống con người làm nội dung phản ánh, trong đó đặc biệt chú ý thể hiện tư tưởng, tình cảm, ước khát vọng của con người.
- Về hình thức: Văn học dân gian và văn học viết đều sử dụng ngôn từ nghệ thuật làm phương tiện và hình tượng làm phương thức phản ánh đời sống.
2) Nêu đúng hai dẫn chứng về văn học dân gian và văn học viết.
Chỉ ra được một cách ngắn gọn hai điểm chung đã nêu ở trên thể hiện qua hai dẫn chứng.
0,5
0,5
0,5
0,5
2
* Mục đích: Kiểm tra kỹ năng đọc hiểu văn bản, qua đó hình thành ở học sinh kỹ năng nghị luận văn xuôi.
* Yêu cầu: Học sinh biết phát hiện những vấn đề nội dung và hình thức nghệ thuật của đoạn văn, trình bày mạch lạc, diễn đạt trôi chảy. Cụ thể: 
3,0
1) Nội dung: Đoạn văn tập trung thể hiện diễn biến tâm trạng đau đớn của nhân vật ông Hai khi nghe tin đồn làng chợ Dầu của ông theo giặc. Qua đó, nhà văn khắc sâu thêm vẻ đẹp tình yêu làng, yêu nước của nhân vật nói riêng, của người nông dân Việt Nam nói chung trong kháng chiến chống Pháp.
2) Nghệ thuật: Nghệ thuật nổi bật, bao trùm đoạn văn là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.
Để thể hiện tâm lí nhân vật một cách chân thực, sinh động. Kim Lân đã sử dụng những phương diện hình thức sau:
a) Miêu tả tinh tế các trạng thái tinh thần của nhân vật ông Hai: 
- Nghi ngại, băn khoăn (Nhưng sao lại nảy ra cái tin như vậy được?).
- Đớn đau khẳng định khi có bằng cớ rõ ràng (Mà thằng chánh Bệu thì đích là người làng không sai rồi. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì.)
- Xót xa tủi nhục (Chao ôi ! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian ! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước).
- Xót xa lo lắng cho mình và cho những người đồng hương, đồng cảnh ngộ (Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa? ...)
b) Câu văn ngắn, nhiều câu nghi vấn (4 câu) câu cảm thán (2 câu), dấu chấm lửng... thể hiện tâm trạng ngổn ngang, rối bời của nhân vật khi nhận tin dữ.
c) Ngôn ngữ: Giản dị, mộc mạc, gần khẩu ngữ (nảy ra cái tin, mà, thì đích là, không có lửa làm sao có khói, ai người ta, hơi đâu bịa tạc, buôn bán mấy, suốt cả cái nước Việt Nam này, lại còn, cái cơ sự...) cùng với điệp từ ai người ta, người ta, đã giúp Kim Lân thể hiện chân thực, sinh động và cảm động vẻ đẹp mộc mạc mà đằm thắm, tha thiết của người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, góp phần mang lại sức hấp dẫn cho đoạn văn nói riêng và tác phẩm nói chung.
1,0
0,5
0,5
0,5
0,5
3
* Mục đích: Kiểm tra các năng lực: Cảm thụ và phân tích thơ, dùng từ, diễn đạt, khái quát vấn đề qua một bài nghị luận cụ thể, trọn vẹn
* Yêu cầu: 
- Về kiến thức: HS hiểu bài thơ, biết phân tích làm nổi rõ định hướng.
- Về kỹ năng: HS phải biết bám sát văn bản ngôn từ, biết phát hiện và thẩm bình các yếu tố nghệ thuật, tránh sa vào tình trạng diễn xuôi ý thơ.
5,0
I- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nội dung nghị luận (định hướng ở đề bài)
0,25
II- Phân tích: 
Từ những định hướng đã nêu trong đề bài, HS cần tập trung phân tích làm nổi bật các ý cơ bản:
1) Gia đình ấm cúng, quê hương thơ mộng nghĩa tình – cội nguồn sinh dưỡng của con (Phân tích đoạn I của bài thơ)
- Con lớn lên trong tình yêu thương, trong sự nâng đón và mong chờ của cha mẹ. Phân tích 4 câu đầu để thấy: từng bước đi, từng tiếng nói, tiếng cười của con đều được cha mẹ chăm chút, mừng vui đón nhận. Chú ý phân tích nghệ thuật điệp cấu trúc, nghệ thuật sử dụng những hình ảnh cụ thể đã giúp nhà thơ tái hiện không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt.
- Con trưởng thành trong cuộc sống lao động, thiên nhiên thơ mộng của quê hương. Phân tích 3 câu tiếp để thấy cuộc sống lao động cần cù, tươi vui, thơ mộng của người đồng mình được gợi lên qua những hình ảnh đẹp. Chú ý phân tích những hình ảnh: nan hoa, câu hát, động từ cài, ken vừa cụ thể, vừa nói lên sự gắn bó quấn quýt, giọng thơ tha thiết yêu thương, tự hào Người đồng mình yêu lắm con ơi. 
0,5
- Thiên nhiên thơ mộng, nghĩa tình cho con tâm hồn, lối sống (Rừng cho hoa, Con đường cho những tấm lòng). Chú ý phân tích hình ảnh vừa cụ thể vừa biểu tượng hoa, tấm lòng; điệp từ cho thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên hào phóng mà yêu thương của rừng núi quê hương đối với con người.
Từ đó, làm nổi bật nhắn nhủ của người cha; mong con biết nâng niu trân trọng những giá trị gia đình, quê hương, dân tộc mình.
0,5
2) Ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc, mong con kế thừa xứng đáng truyền thống ấy (Phân tích đoạn II của bài thơ).
a) Ca ngợi người đồng mình sống vất vả mà mạnh mẽ, khoáng đạt, bền bỉ, gắn bó với quê hương dẫu quê hương còn cực nhọc, đói nghèo. Từ đó cha mong con sống nghĩa tình, chung thủy với quê hương, nguồn cội, biết chấp nhận và vượt qua gian nan thử thách bằng nghị lực, niềm tin. Phân tích đoạn thơ từ Người đồng mình....cực nhọc. Học sinh trong khi làm rõ nội dung trên phải biết bám sát các yếu tố: giọng thiết tha trìu mến thể hiện ở lời gọi mang ngữ điệu cảm thán Người đồng mình thương lắm con ơi thấm đượm niềm tự hào về quê hương và tha thiết yêu con: cách sử dụng những hình ảnh vừa cụ thể vừa giàu ý nghĩa biểu tượng kết hợp với điệp cấu trúc, so sánh Sống trên đá không chê đá gập ghềnh- Sống trong thung không chê thung nghèo đói- Sống như sông như suối- Lên thác xuống ghềnh- Không lo cực nhọc...thể hiện chân dung tâm hồn con người xứ sở và tình cảm của người cha. 
b) Ca ngợi người đồng mình mộc mạc, hồn nhiên nhưng giàu niềm tin và chí khí. Họ có thể thô sơ da thịt nhưng không nhỏ bé về tâm hồn, ý chí và mong ước xây dựng quê hương (ở đoạn thơ trên, nhà thơ đã từng khẳng định diện tâm hồn của người đồng mình: Cao đo nỗi buồn – Xa nuôi chí lớn). Chính những người như thế, bằng lao động cần cù, nhẫn nại đã làm nên quê hương với truyền thống, phong tục. Từ đó, cha mong con biết tự hào với truyền thống quê hương, dặn dò con biết tự tin vững bước trên mỗi chặng đường đời. Phân tích đoạn thơ từ Người đồng mình thô sơ da thịt...Nghe con để làm sáng tỏ nội dung trên. Tương tự như đoạn trên, học sinh phải chú ý khai thác các yếu tố nghệ thuật để đến với vẻ đẹp nội dung: giọng thiết tha trìu mến thể hiện ở lời tâm tình dặn dò Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con; Con ơi; Nghe con; cách xây dựng những hình ảnh cụ thể mà khái quát, mộc mạc mà giàu chất thơ, rất tiêu biểu cho cách tư duy giầu hình ảnh của con người miền núi.
III- Đánh giá:
1) Qua lời nhắn nhủ tâm tình thiết tha, thấm thía của người cha, ta đến được với tình yêu thương con, tình yêu gia đình, yêu quê hương rộng lớn, chân thành của Y Phương.
2) Những điều nhà thơ nhắn nhủ tới con về tình gia đình, tình quê hương suy cho cùng là lời nhắn nhủ và ước mong con có lẽ sống cao đẹp. Đó là những điều vừa gần gũi vừa thiêng liêng, có ý nghĩa với muôn người ở muôn đời.
1,0
IV- Khái quát giá trị, ý nghĩa bài thơ:
Tình cảm gia đình nói chung, tình cha con nói riêng là nguồn cảm hứng quen thuộc trong văn học (học sinh nên biết liên hệ so sánh mở rộng với tác phẩm cùng đề tài, cảm hứng để thấy nét riêng của bài thơ này). Bài thơ của Y Phương với giọng thiết tha thấm thía, thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi đã góp phần làm phong phú thêm cho những tác phẩm cùng đề tài, cảm hứng; góp phần làm tươi mới những điều tưởng chừng đã cũ, đã quen.
0,25
Cách cho điểm câu 3:
-Từ 4-5 điểm: Tùy mức độ, hiểu bài thơ, biết cách phân tích thơ, làm chủ được bài viết, văn mạch lạc, có cảm xúc, đáp ứng được các yêu cầu nêu trên.
- Từ 3- dưới 4 điểm: Tùy mức độ, hiểu bài thơ, biết cách phân tích thơ, tuy chưa đáp ứng thật đầy đủ các yêu cầu trên nhưng tỏ ra có năng lực cảm thụ, phân tích văn học.
- Từ 2- dưới 3 điểm: Tùy mức độ, nắm được bài thơ nhưng khả năng phân tích, so sánh liên tưởng, khái quát vấn đề còn hạn chế, diễn đạt được.
- Từ 1- dưới 2 điểm: Tuỳ mức độ, chủ yếu thuật dựng hình ảnh thơ, diễn đạt còn vụng về, còn mắc lỗi chính tả nhưng không trầm trọng.
- Điểm dưới 1: Chưa nắm được bài thơ, nói chung chung, kỹ năng phân tích diễn đạt yếu.
- Điểm 0: Bỏ giấy trắng hoặc có viết nhưng sai lạc hoàn toàn yêu cầu đề.
Lưu ý chung: Sau khi chấm điểm từng câu, giám khảo nên cân nhắc để cho điểm toàn bài một cách hợp lý, đảm bảo đánh giá đúng trình độ của học sinh. Điểm toàn bài lẻ đến 0,25 điểm, không làm tròn.

File đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_lop_10_thpt_mon_ngu_van_so_giao_duc_vao_da.doc