Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2016-2017 - Sở giáo dục và đào tạo Thành phố Đà Nẵng (Có đáp án)
Câu 1. (1,0 điểm)
Trong các từ nho nhỏ, tươi tốt, bọt bèo, lạnh lùng, từ nào là từ ghép, từ nào là từ láy?
Câu 2. (1,0 điểm)
Trong hai tổ hợp từ Lá lành đùm lá rách, Cây nhà lá vườn, hãy cho biết tổ hợp từ nào là thành ngữ, tổ hợp từ nào là tục ngữ? Giải thích ngắn gọn nghĩa của một trong hai tổ hợp từ đó.
Câu 3. (3,0 điểm)
Vũ Khoan cho rằng: Cái yếu của người Việt Nam “là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề ”.
(Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, Ngữ văn 9, Tập hai)
Viết một đoạn văn hoặc bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về phương pháp học tập nhằm khắc phục cái yếu đó.
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2016-2017 - Sở giáo dục và đào tạo Thành phố Đà Nẵng (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2016-2017 - Sở giáo dục và đào tạo Thành phố Đà Nẵng (Có đáp án)
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2017 ĐỀ CHÍNH THỨC Môn thi: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút (Đề thi có 01 trang) (Không kể thời gian phát đề) Câu 1. (1,0 điểm) Trong các từ nho nhỏ, tươi tốt, bọt bèo, lạnh lùng, từ nào là từ ghép, từ nào là từ láy? Câu 2. (1,0 điểm) Trong hai tổ hợp từ Lá lành đùm lá rách, Cây nhà lá vườn, hãy cho biết tổ hợp từ nào là thành ngữ, tổ hợp từ nào là tục ngữ? Giải thích ngắn gọn nghĩa của một trong hai tổ hợp từ đó. Câu 3. (3,0 điểm) Vũ Khoan cho rằng: Cái yếu của người Việt Nam “là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề ”. (Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, Ngữ văn 9, Tập hai) Viết một đoạn văn hoặc bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về phương pháp học tập nhằm khắc phục cái yếu đó. Câu 4. (5,0 điểm) Cảm nhận của em về vẻ đẹp của đoạn trích sau: Tôi hãy còn nhớ buổi chiều hôm đó – buổi chiều sau một ngày mưa rừng, giọt mưa còn đọng trên lá, rừng sáng lấp lánh. Đang ngồi làm việc dưới tấm ni lông nóc, tôi bỗng nghe tiếng kêu. Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà. Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Chẳng hiểu sao tôi thích ngồi nhìn anh làm và cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều. Một ngày, anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Một ngày cuối năm năm mươi tám – năm đó ta chưa võ trang – trong một trận càn lớn của quân Mĩ – ngụy, anh Sáu bị hi sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh. - Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu. Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi. (Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, Tập một) - Hết - Họ và tên thí sinh Phòng thi Số báo danh SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2017 HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN I. Hướng dẫn chung: - Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh (câu 3, câu 4); tránh cách chấm đếm ý cho điểm. - Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo. - Giám khảo có thể cho điểm lẻ đến 0,25. Điểm toàn bài không làm tròn số. II. Đáp án và thang điểm Câu Nội dung Điểm 1 - Từ ghép: tươi tốt, bọt bèo. - Từ láy: nho nhỏ, lạnh lùng. - Mỗi từ đúng được 0,25 điểm. Mỗi từ sai trừ 0,25 điểm. 1,0 2 - Thành ngữ: Cây nhà lá vườn; tục ngữ: Lá lành đùm lá rách. - Mỗi tổ hợp từ đúng được 0,25 điểm. Mỗi tổ hợp từ sai trừ 0,25 điểm. 0,5 - Giải thích một trong hai thành ngữ, tục ngữ sau: + Cây nhà lá vườn: Sản phẩm tự làm ra hoặc sẵn có. + Lá lành đùm lá rách: Những người có điều kiện đùm bọc, cưu mang, giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn. (Thí sinh có thể nói cách khác miễn sao hiểu đúng ý) 0,5 3 4 1. Đảm bảo cấu trúc một đoạn văn hoặc bài văn ngắn; đúng quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,25 2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phương pháp học tập hiệu quả để khắc phục hạn chế về khả năng thực hành và sáng tạo của người Việt Nam. 0,25 3. Vận dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai vấn đề nghị luận: a) Giải thích: - Cái yếu của người Việt Nam là sự hạn chế về khả năng thực hành và sáng tạo do cách học nặng về lí thuyết, thụ động về tư duy. - Phương pháp học tập là cách thức để người học tiếp thu và lĩnh hội tri thức. - Người học cần lựa chọn phương pháp học tập hiệu quả để khắc phục cái yếu của người Việt Nam. b) Bàn luận: - Thí sinh cần mô tả về phương pháp học tập và nêu ý nghĩa của phương pháp học tập đó. Thí sinh có thể trình bày một hoặc một số phương pháp học tập để khắc phục hạn chế về khả năng thực hành và sáng tạo như: vận dụng lí thuyết vào cuộc sống; tích cực, chủ động trong tiếp thu; tự học, tự nghiên cứu - Phê phán thái độ coi thường vai trò của phương pháp học tập, lối học chay, học vẹt c) Rút ra bài học: Nhận thức được vai trò quan trọng của việc lựa chọn phương pháp học tập hiệu quả để phát huy năng lực của người học và rút ra bài học phù hợp cho bản thân. 2,25 0,75 1,25 0,25 4. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. 0,25 1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (có đủ các phần mở bài, thân bài và kết bài); viết đúng quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,5 2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích. 0,25 3. Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng để triển khai vấn đề nghị luận: 3.1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và đoạn trích. 0,25 3.2. Cảm nhận về vẻ đẹp đoạn trích: a) Vẻ đẹp của tấm lòng người cha: - Tình yêu thương con thắm thiết, sâu nặng và cao đẹp: + Đoạn trích thể hiện nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau của nhân vật ông Sáu nhưng những cảm xúc ấy đều hướng về đứa con gái thân yêu trong hoàn cảnh xa cách: day dứt, ân hận vì đã đánh con khi nóng giận; mong muốn làm một chiếc lược ngà cho bé Thu; vui mừng, sung sướng khi tìm được khúc ngà; nhớ thương, khao khát gặp lại con... + Ông Sáu tỉ mỉ cưa từng chiếc răng lược, tẩn mẩn khắc từng nét chữ yêu thương, dành hết tâm trí, công sức vào việc làm cây lược để thực hiện lời dặn của bé Thu. Chiếc lược ngà là một vật quý giá, thiêng liêng, làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng tấm lòng yêu thương thắm thiết, sâu nặng của người cha dành cho con gái trong hoàn cảnh chiến tranh. + Việc ông Sáu trao lại chiếc lược cho người bạn thân trước lúc hi sinh bộc lộ ước nguyện cao đẹp, thiêng liêng của người cha và khẳng định sức sống của tình cha con trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. - Tấm lòng yêu thương con của ông Sáu được đặt trong một tình huống đau thương: Ông Sáu làm chiếc lược cho bé Thu nhưng chưa được gặp lại con thì ông đã hi sinh. Tình huống truyện này vừa tỏa sáng tấm lòng của người cha vừa khẳng định sức sống bất diệt của tình cảm cha con. Nó vượt lên trên sự xa cách, gian khổ, mất mát vì chiến tranh. b) Đặc sắc nghệ thuật: - Việc lựa chọn nhân vật kể chuyện là người bạn thân của ông Sáu khiến cho câu chuyện chân thực, xúc động. - Xây dựng tình huống éo le, hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng; ngôn ngữ giản dị, giàu cảm xúc. - Miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc. 3,0 1,5 0,5 1,0 3.3. Đánh giá chung: - Với những giá trị nghệ thuật đặc sắc, đoạn trích đã thể hiện tập trung vẻ đẹp của tấm lòng người cha dành cho con gái. - Đoạn trích mang đến cho người đọc cảm nhận thấm thía về những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra; nhưng trên hết là sự khẳng định sức sống bất diệt của tình cha con sâu nặng và cao đẹp. 0,5 4. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. 0,5
File đính kèm:
- de_thi_tuyen_sinh_lop_10_thpt_mon_ngu_van_nam_hoc_2016_2017.doc