Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2014-2015 - Sở giáo dục và đào tạo Thành phố Đà Nẵng (Có đáp án)

Câu 1. (2,0 điểm)

Tôi yêu ánh nắng chiều tà trải màu vàng tái trên rẫy khoai mì, nghiêng nghiêng bên triền núi.(1) Biết bao đêm trăn trở tôi viết bao trang về con rạch nhỏ cạn lờ chảy qua bến Miễu, cát vàng xâm xấp nước.(2) Tôi yêu màu đá xám đen, tấm phên xác xơ che nắng cho người đập đá.(3)

 (Theo Tản văn Mai VănTạo, Ngữ văn 7, tập 1)

a) Tìm các từ láy có trong đoạn trích trên. (1,0 điểm)

b) Xác định chủ ngữ của câu (1) trong đoạn trích. Cho biết đó là câu đơn hay câu ghép ? (0,5 điểm)

c) Chỉ ra các từ ngữ thực hiện phép lien kết câu trong đoạn trích và cho biết đó là phép liên kết gì ? (0,5 điểm)

Câu 2. (3,0 điểm)

Trẻ em bị tàn tật và trẻ em có hoàn cảnh sống đặc biệt khó khăn cần phải được quan tâm chăm sóc nhiều hơn và được hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

 (Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em, Ngữ văn 9, tập 1)

Viết đoạn văn hoặc bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.

 

doc 3 trang cucpham 3440
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2014-2015 - Sở giáo dục và đào tạo Thành phố Đà Nẵng (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2014-2015 - Sở giáo dục và đào tạo Thành phố Đà Nẵng (Có đáp án)

Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2014-2015 - Sở giáo dục và đào tạo Thành phố Đà Nẵng (Có đáp án)
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 
 THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2015
ĐỀ CHÍNH THỨC
Môn thi : NGỮ VĂN
 Thời gian làm bài : 120 phút
Câu 1. (2,0 điểm)
Tôi yêu ánh nắng chiều tà trải màu vàng tái trên rẫy khoai mì, nghiêng nghiêng bên triền núi.(1) Biết bao đêm trăn trở tôi viết bao trang về con rạch nhỏ cạn lờ chảy qua bến Miễu, cát vàng xâm xấp nước.(2) Tôi yêu màu đá xám đen, tấm phên xác xơ che nắng cho người đập đá.(3)
 (Theo Tản văn Mai VănTạo, Ngữ văn 7, tập 1)
a) Tìm các từ láy có trong đoạn trích trên. (1,0 điểm)
b) Xác định chủ ngữ của câu (1) trong đoạn trích. Cho biết đó là câu đơn hay câu ghép ? (0,5 điểm)
c) Chỉ ra các từ ngữ thực hiện phép lien kết câu trong đoạn trích và cho biết đó là phép liên kết gì ? (0,5 điểm)
Câu 2. (3,0 điểm)
Trẻ em bị tàn tật và trẻ em có hoàn cảnh sống đặc biệt khó khăn cần phải được quan tâm chăm sóc nhiều hơn và được hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
 (Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em, Ngữ văn 9, tập 1)
Viết đoạn văn hoặc bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.
Câu 3. (5,0điểm)
Cảm nhận về những điều tác giả muốn nhắn gửi trong hai đoạn trích sau:	
- Ta làm con chim hót
	Ta làm một cành hoa
	Ta nhập vào hòa ca
	Một nốt trầm xao xuyến.
	Một mùa xuân nho nhỏ
	Lặng lẽ dâng cho đời
	Dù là tuổi hai mươi
	Dù là khi tóc bạc.
	 (Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ, 
 Ngữ văn 9, tập 2)
- Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.
 (Y Phương, Nói với con,
 Ngữ văn 9, tập 2)
- Hết-
Họ và tênthí sinh
Phòng thi
Số báo danh
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 
 THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2015
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN
I. Hướng dẫn chung:
- Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm (câu 2, câu 3) của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
	- Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
	- Giám khảo có thể cho điểm lẻ đến 0,25. Điểm toàn bài không làm tròn số.
II. Đáp án và thang điểm
Câu
Nội dung trả lời
Điểm
1
a) Từ láy có trong đoạn trích trên: nghiêng nghiêng, trăn trở, xâm xấp, xác xơ.
Lưu ý: Mỗi từ đúng : 0,25 đ. Mỗi từ sai : - 0,25 đ (trừ tối đa 1,0 đ) 
1.0
b) Xác định chủ ngữ của câu : Tôi yêu ánh nắng chiều tà trải màu vàng tái trên rẫy khoai mì, nghiêng nghiêng bên triền núi. Cho biết đó là câu đơn hay câu ghép ?
- Chủ ngữ : Tôi : 0,25 đ
- Câu đơn : 0,25 đ
0.5
c) Chỉ ra từ ngữ thực hiện phép liên kết câu trong đoạn trích và cho biết đó là phép liên kết gì?
- Từ ngữ thực hiện phép liên kết: tôi hoặc tôi yêu : 0,25 đ 
- Phép lặp : 0,25 đ
0.5
2
Trẻ em bị tàn tật và trẻ em có hoàn cảnh sống đặc biệt khó khăn cần phải được quan tâm chăm sóc nhiều hơn và được hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
3.0
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách viết đoạn văn hoặc bài văn nghị luận xã hội. 
- Diễn đạt rõ ý; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
2. Yêu cầu về nội dung:
 Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng bài viết cần có những ý chính sau:
a) Giải thích :
- Trẻ em tàn tật và trẻ em có hoàn cảnh sống đặc biệt khó khăn là những đứa trẻ không may mắn bị những dạng tật khác nhau hoặc thiếu thốn những điều kiện cơ bản về vật chất, tinh thần.
- Ý kiến thể hiện thái độ quan tâm đặc biệt của xã hội đối với các đối tượng trên. 
0.5
b) Bàn luận:
- Trẻ em nói chung là những mầm non của đất nước, cần được che chở, yêu thương nhiều nhất, nên chúng ta cần chăm sóc và hỗ trợ đặc biệt. Trẻ em tàn tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đều bất hạnh, thua thiệt hơn những trẻ em bình thường, nên cần được quan tâm chăm sóc nhiều hơn, giúp đỡ mạnh mẽ hơn để giúp các em tự tin, hòa đồng, vươn lên trong cuộc sống. 
- Chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ em tàn tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là hành động thể hiện tính nhân văn của một xã hội văn minh, không phân biệt đối xử để hướng tới sự phát triển bền vững.	
- Xã hội ta đã quan tâm đến vấn đề này nhưng chưa thực sự có chiều sâu; ở nhiều lúc, nhiều nơi, trẻ em tàn tật và trẻ em có hoàn cảnh sống đặc biệt khó khăn vẫn còn bị phân biệt đối xử, còn thua thiệt về nhiều mặt trong cuộc sống .
- Phê phán những người có thái độ phân biệt, vô cảm đối với những trẻ em tàn tật, bất hạnh. 
2.0
c) Liên hệ bản thân, rút ra bài học:
Quan tâm hơn nữa, có những việc làm thiết thực để giúp đỡ các em bất hạnh vươn lên và khẳng định mình.
0.5
Lưu ý: 
- Bài làm có thể không thật đầy đủ các ý nhưng thí sinh có kĩ năng làm bài tốt thì vẫn có thể đạt điểm tối đa.
- Nếu thí sinh có những suy nghĩ riêng mà hợp lí thì vẫn được chấp nhận.
3
Cảm nhận về những điều tác giả muốn nhắn gửi trong hai đoạn trích Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải và Nói với con của Y Phương :
5.0
1. Yêu cầu về kĩ năng
- Vận dụng phương pháp làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ vào yêu cầu của đề bài. 
- Bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Văn viết giàu cảm xúc.
2. Yêu cầu về nội dung
 Trên cơ sở những hiểu biết về các tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải và Nói với con của Y Phương, thí sinh nêu được cảm nhận về những điều tác giả nhắn gửi trong mỗi đoạn trích, từ đó thấy được sự tương đồng và khác biệt trong cách thể hiện của mỗi nhà thơ. Thí sinh có thể nêu cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần có các ý chính sau:
2.1 Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận.
0.5
2.2 Cảm nhận về những điều tác giả muốn nhắn gửi trong hai đoạn trích:
4.0
 * Mùa xuân nho nhỏ
a) Điều tác giả nhắn gửi là khát vọng được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước. Đoạn thơ đề cập đến một vấn đề lớn của nhân sinh quan - ý nghĩa của đời sống cá nhân trong quan hệ với cộng đồng.
b) Dù ở lứa tuổi nào, mỗi người cũng phải mang đến cho cuộc đời chung một nét riêng, một phần tinh túy của mình, dù nhỏ bé, để góp vào cuộc đời chung. Nhưng dâng hiến, hòa nhập mà không mất đi nét riêng của mỗi người.
c) Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, bình dị, khiêm nhường (con chim, cành hoa, nốt trầm); các biện pháp nghệ thuật như ẩn dụ, hoán dụ, điệp ngữ kết hợp với việc lặp lại những hình ảnh đã được sử dụng (ở khổ thơ đầu) tạo nên sự đối ứng chặt chẽ.
2.0
* Nói với con
 a) Từ việc ngợi ca những phẩm chất cao đẹp của người đồng mình, nhà thơ muốn nhắn nhủ con:
- Người đồng mình mộc mạc nhưng giàu chí khí, niềm tin, họ chất phác nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, về ý chí và mong ước xây dựng quê hương; bằng sự lao động cần cù nhẫn nại hằng ngày, họ đã làm nên quê hương với những truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp.
- Người cha mong muốn con cần tự hào về phẩm chất cao đẹp của người đồng mình, tự tin vững bước trên đường đời, tiếp tục phát huy một cách xứng đáng truyền thống của quê hương.
b) Lời nhắn nhủ của người cha trở nên tha thiết khi tác giả chọn đối tượng để bộc lộ cảm xúc và nhắn nhủ; âm hưởng đoạn thơ, giọng điệu, ngôn từ đều thấm đẫm phong vị, cách diễn đạt của người miền núi.
2.0
2.3 Điểm tương đồng và khác biệt
a) Điểm tương đồng: Lời nhắn gửi của các tác giả vừa thể hiện tình yêu đối với quê hương và cuộc đời, vừa thể hiện ước vọng muốn được tự khẳng định, cống hiến, dựng xây.
b) Điểm khác biệt:
- Đoạn trích bài Mùa xuân nho nhỏ: Thông qua ước nguyện của cá nhân để gửi gắm và truyền thông điệp cống hiến đến mọi người.
- Đoạn trích bài Nói với con: Qua lời tâm sự đối với con, người cha muốn truyền cho con lòng tự hào về sức sống mạnh mẽ bền bỉ, về truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm tự tin khi bước vào đời.
0.5
Lưu ý: Nếu thí sinh có kĩ năng làm bài tốt, cơ bản đạt được các yêu cầu về nội dung thì vẫn cho điểm tối đa

File đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_lop_10_thpt_mon_ngu_van_nam_hoc_2014_2015.doc