Đề thi tuyển sinh Lớp 10 môn Ngữ văn - Mã đề: V04.PG8 - Năm học 2018-2019 (Có đáp án)

Chọn một trong bốn phương án A, B, C, D để trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt sáng tác năm nào?

A. 1962 B. 1961 C. 1963 D. 1965

Câu 2. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn nào?

A. Nguyễn Quang Sáng

B. Nguyễn Minh Châu C. Nam Cao

D. Nguyễn Thành Long

Câu 3. Trong các từ sau, từ nào không phải là từ láy?

A. rưng rưng

B. thình lình C. đèn điện

D. vành vạnh

Câu 4. Từ ngữ nào sau đây liên quan đến phương châm về chất?

A. nói băm nói bổ

B. ông nói gà, bà nói vịt C. dây cà ra dây muống

D. nói có sách, mách có chứng

 

doc 6 trang cucpham 01/08/2022 300
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh Lớp 10 môn Ngữ văn - Mã đề: V04.PG8 - Năm học 2018-2019 (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi tuyển sinh Lớp 10 môn Ngữ văn - Mã đề: V04.PG8 - Năm học 2018-2019 (Có đáp án)

Đề thi tuyển sinh Lớp 10 môn Ngữ văn - Mã đề: V04.PG8 - Năm học 2018-2019 (Có đáp án)
MÃ KÍ HIỆU 
(PHẦN NÀY DO SỞ GD&ĐT GHI)
..
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
Năm học 2018 - 2019
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút
( Đề thi gồm 9 câu, 01 trang)
I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (2.0 điểm)
Chọn một trong bốn phương án A, B, C, D để trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1. Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt sáng tác năm nào?
A. 1962	B. 1961	C. 1963	D. 1965
Câu 2. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn nào?
A. Nguyễn Quang Sáng
B. Nguyễn Minh Châu
C. Nam Cao
D. Nguyễn Thành Long
Câu 3. Trong các từ sau, từ nào không phải là từ láy?
A. rưng rưng
B. thình lình
C. đèn điện
D. vành vạnh
Câu 4. Từ ngữ nào sau đây liên quan đến phương châm về chất?
A. nói băm nói bổ
B. ông nói gà, bà nói vịt
C. dây cà ra dây muống
D. nói có sách, mách có chứng
II. PHẦN ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (1.5 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 3:
"Bước vào thế kỷ mới, nước ta sẽ hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới. Bản tính thích ứng nhanh sẽ giúp dân ta tận dụng những cơ hội, ứng phó với thách thức do tiến trình hội nhập đem lại. Nhưng thái độ kì thị đối với sự kinh doanh, thói quen ảnh hưởng bao cấp, nếp nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức đều sẽ cản trở sự phát triển của đất nước. Thói quen không ít người tỏ ra "khôn vặt", "bóc ngắn cắn dài", không coi trọng chữ "tín" sẽ gây tác hại khôn lường trong quá trình kinh doanh và hội nhập."
(Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, Vũ Khoan, Ngữ văn 9, tập 2, tr.28, NXBGD)
Câu 1. (0.5 điểm) Trong đoạn văn trên, tác giả chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu nào của người Việt Nam khi bước vào thời kỳ hội nhập với nền kinh tế thế giới?
Câu 2. (0.5 điểm) Nêu hiệu quả diễn đạt của việc vận dụng các thành ngữ trong đoạn văn?
Câu 3. (1,0 điểm) Em rút ra được bài học gì từ đoạn văn trên? (Viết thành đoạn văn khoảng 3 đến 5 dòng)
III. PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN (6,5 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm): Suy nghĩ của em về sử dụng Internet trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước ta hiện nay (trình bày khoảng nửa trang giấy thi).
Câu 2 (4,5 điểm): Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác 
 Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát 
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam 
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng. 
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng 
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ 
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ 
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
(Viếng lăng Bác, Viễn Phương, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013. Tr 58)
------------Hết--------
MÃ KÍ HIỆU
(PHẦN NÀY DO SỞ GD&ĐT GHI)
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI TUYỂN SINH 
LỚP 10 THPT
Năm học 2018 - 2019
MÔN: NGỮ VĂN
 (Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)
I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (2.0 điểm)
Mỗi ý đúng cho 0,5 điểm, nếu học sinh khoanh từ 2 đáp án trở lên, không cho điểm.
Câu 1: C
Câu 2: A
Câu 3: C
Câu 4: D
II. PHẦN ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (1.5 điểm)
Câu
Đáp án
Điểm
1
- Những điểm mạnh: Bản tính thích ứng nhanh; tận dụng những cơ hội; ứng phó với thách thức.
- Những điểm yếu: thái độ kì thị đối với sự kinh doanh, thói quen ảnh hưởng bao cấp, nếp nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức; thói quen tỏ ra "khôn vặt", "bóc ngắn cắn dài", không coi trong chữ "tín" 
0.5 điểm
2
Hiệu quả diễn đạt của việc vận dụng các thành ngữ trong đoạn văn: vừa sinh động, cụ thể, lại vừa ý vị sâu sắc mà ngắn gọn.
0.5 điểm
3
Em rút ra được bài học gì từ đoạn văn trên:
- Hình thức đoạn văn nghị luận: 0,25 điểm
- Nội dung: Mỗi người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ cần nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Phát huy những điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để đáp ứng yêu cầu của thế kỉ mới... (0,75 điểm)
1,0 điểm
III. PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN (6,5 điểm)
Câu
Đáp án
Điểm
1
(2.0 điểm)
Suy nghĩ của em về sử dụng Internet trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước ta hiện nay.
- Yêu cầu về hình thức: Viết thành đoạn văn hoặc bài văn nghị luận xã hội ngắn (nửa trang giấy thi); Có đủ các phần nêu vấn đề, giải quyết vấn đề và kết thúc vấn đề; Giữa các phần, các đoạn văn, câu văn có sự liên kết chặt chẽ về nội dung và hình thức.
0.25 điểm
- Yêu cầu về nội dung:
+ Internet là gì? Internet là hệ thống thông tin toàn cầu có thể truy cập cộng đồng các máy tính với nhau thông qua gói dữ liệu dựa trên giao thức liên kết mạng đã được chuẩn hóa. Hệ thống này gồm rất nhiều máy tính của tất cả các đơn vị doanh nghiệp, công ty, trường học, người dùng cá nhân. trên toàn cầu sử dụng với nhau.
0.25 điểm
- Thực trạng sử dụng Internet ở nước ta: đang ngày càng phổ biến trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội...
0.25 điểm
- Vai trò: Việc sử dụng Internet trong thời hội nhập và phát triển của đất nước có vai trò cực kì quan trọng, là một trong những công cụ hữu ích đưa nước ta hội nhập, giao lưu với nền kinh tế, văn hoá thế giới...
0.25 điểm
- Lợi ích:
+ Internet giúp ta có thể tìm hiểu thông tin nhanh nhất với số lượng nhiều nhất; mở rộng quan hệ với bạn bè trên khắp thế giới; giúp cho mọi người học tập tốt hơn; là một phương tiện giải trí hữu ích của con người ...           
0.5 điểm
- Tác hại: Nhiều thông tin xấu đưa lên mạng gây hoang mang dư luận, làm mất đi thuần phong mĩ tục của dân tộc; Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ nghiện game, facebook ... mà bỏ bê công việc, học tập, sống ảo, gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cuộc sống; Việc sử dụng công cụ tìm kiếm trên intenet cũng khiến nhiều bạn trẻ trở nên lười suy nghĩ, tư duy. 
0.25 điểm
- Bài học: Nhận thức rõ vai trò quan trọng của Internet trong đời sống hiện đại, sử dụng hợp lí, có hiệu quả...
0.25 điểm
2
(4,5 điểm)
Cảm nhận của em về đoạn thơ trong bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương:
1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài, phần thân bài trình bày thành nhiều đoạn văn. Giữa các phần, các đoạn văn, câu văn có sự liên kết chặt chẽ về nội dung và hình thức.
0.25 điểm
2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận về 2 khổ thơ đầu bài thơ Viếng lăng Bác:
0.25 điểm
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
*Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nêu vị trí của đoạn thơ: 
-  Viễn Phương là nhà văn miền Nam trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam. Thơ của ông bình dị mà trữ tình, mộc mạc, chân chất nhưng nhẹ nhàng, sâu lắng.
-  “Viếng lăng Bác” là bài thơ gắn liền với tên tuổi Viễn Phương, được viết sau chuyến ra thăm lăng Bác của chính tác giả.
-  Hai khổ thơ đầu bài thơ bộc lộ tâm trạng nhà thơ khi nhìn thấy hàng tre và cảnh vật quanh lăng.
0.5 điểm
*Khái quát chung:
Bài thơ Viếng lăng Bác được làm theo thể thơ tám chữ. Cảm xúc bao trùm bài thơ là niềm xúc động thiêng liêng, tấm lòng tha thiết thành kính, lòng biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau của tác giả từ miền Nam vừa được giải phóng ra viếng Bác. Cảm xúc đó được trải ra theo trình tự cuộc vào lăng viếng Bác. Hai khổ thơ đầu là niềm xúc động, thiêng liêng, thành kính khi nhà thơ chứng kiến cảnh vật bên ngoài lăng.
0.25 điểm
*Khổ 1: Khung cảnh bên ngoài lăng:
- Câu thơ đầu như một lời giới thiệu, một thông báo chứa bao tình cảm thân thương của đứa con từ miền Nam vừa giải phóng nay được ra thăm Bác: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”
+  Từ xưng hô “con” mang đậm chất Nam Bộ, thể hiện tình cảm yêu thương, kính trọng của nhà thơ đối với Bác. Cách xưng hô nghe vừa chân chất mộc mạc lại vừa gần gũi thân tình. “Con” ở đây không chỉ là tác giả Viễn Phương nói riêng mà là nhân dân miền Nam nói chung.
+   Cụm từ “ở miền Nam” gợi lên tình cảm thân thương ruột thịt giữa Bác với đồng bào miền Nam – mảnh đất thành đồng chống Mỹ, nơi Bác bắt đầu bước hành trình đi tìm đường cứu nước.
- Nỗi ngạc nhiên đến xúc động khi bắt gặp hình ảnh hàng tre quanh lăng Bác:
“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát 
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam 
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.” 
+  Hình ảnh “hàng tre bát ngát” là hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của làng quê Việt Nam. Hàng tre bên lăng như những hàng quân canh giữ cho giấc ngủ yên bình của Bác.
+  Từ cảm than “Ôi”  bộc lộ cảm xúc trào dâng khi bắt gặp hình ảnh thân thiết của quê nhà.
+ Từ “xanh xanh” được đảo ra phía trước như muốn nhấn mạnh sức sống bền bỉ của quê hương, dân tộc.
+  Từ màu xanh đầy sức sống của hàng tre, nhà thơ liên hệ đến phẩm chất cao đẹp của con người: kiên cường, bất khuất, không hề bị khuất phục trước khó khăn, thử thách.
-> Hình ảnh hang tre là khúc dạo đầu nói lên bao cảm xúc bồi hồi của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác.
1.0 điểm
Khổ 2: Tình cảm của nhà thơ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung với Bác Hồ:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng 
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
-  Hình ảnh “mặt trời trên lăng” là bút pháp tả thực để chỉ một thực thể trong vũ trụ. Mặt trời ở đây là mặt trời của thiên nhiên.
-  “Mặt trời trong lăng”  là hình ảnh ẩn dụ để chỉ Bác , nhằm ngợi ca sự vĩ đại của Bác Hồ. Cũng giống như mặt trời của thiên nhiên mang lại ánh sáng, hơi ấm cho muôn loài thì Bác mang lại ánh sáng Cách mạng, đưa dân ta thoát khỏi bầu trời đêm của tối tăm, nô lệ.
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ 
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
-  Nhịp thơ chầm chậm như bước chân của dòng người lặng lẽ đi trong suy tưởng, bao trùm là không khí thương nhớ Bác khôn nguôi.
-  Mỗi người dân là một bông hoa và dòng người đi trong thương nhớ chính là tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân của người.
- “Ngày ngày” gợi tả sự lặp lại của thời gian, đồng thời cũng là sự lặp lại của lòng thương nhớ. Tình cảm của người dân Việt Nam đối với Bác đã trở thành chân lí như vòng tuần hoàn của thời gian.
=> Niềm yêu kính thiết tha và lòng biết ơn, sự tiếc thương vô hạn của nhà thơ và nhân dân với Bác.  
1.0 điểm
*Khái quát, nâng cao: Chỉ qua hai khổ thơ, Viễn Phương đã bộc lộ được cảm xúc trào dâng của mình khi lần đầu tiên được viếng thăm lăng Bác. Những hình ảnh trong thơ được xây dựng bằng rung cảm thiết tha của nhà thơ. Từ đó, tác giả bộc lộ tình cảm chân thành, bình dị mà tha thiết của mình đối với Bác. Đó cũng là tình cảm chung của nhân dân miền Nam dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
0.25 điểm
*Liên hệ:
- Văn học: Viết về Bác, đã có rất nhiều nhà thơ thành công với những bài thơ đầy xúc động: Đêm nay bác không ngủ - Minh Huệ; Cháu nhớ Bác Hồ - Thanh Hải, Theo chân Bác-Tố Hữu... Nhà thơ Viễn Phương đã làm mới đề tài tưởng như đã cũ, đã quen bởi cảm xúc chân thành của đứa con miền Nam lần đầu được ra thăm Bác...
- Thực tế: Tuy Bác đã đi xa, nhưng tình cảm yêu mến, thương nhớ vẫn còn nguyên trong trái tim người Việt. Mỗi người Việt Nam đang ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác...
0.5 điểm
4. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận
0,25 đ
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 
0,25 đ
ĐIỂM TOÀN BÀI THI: 
= 10,0đ
................... Hết .....................
Lưu ý chung:
1. Giám khảo căn cứ vào tiêu chuẩn cho điểm và bài làm cụ thể của học sinh để cho điểm phù hợp, tránh đếm ý cho điểm, trân trọng những bài viết sáng tạo. 
2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
3. Không cho điểm cao đối với những bài viết chung chung, sáo rỗng hoặc phần thân bài ở phần làm văn chỉ viết một đoạn văn.
4. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.
PHẦN KÝ XÁC NHẬN:
TÊN FILE: V- 04-TS10D-18-PG8
MÃ ĐỀ THI (DO SỞ GD&ĐT GHI):..
TỔNG SỐ TRANG (ĐỀ THI VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM) LÀ: 05 TRANG.
NGƯỜI RA ĐỀ THI
(Họ tên, chữ ký)
Hoàng Thị Nga
NGƯỜI THẨM ĐỊNH VÀ PHẢN BIỆN
(Họ tên, chữ ký)
Tống Thị Kim Dung
XÁC NHẬN CỦA BGH
(Họ tên, chữ ký, đóng dấu)

File đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_lop_10_mon_ngu_van_file_de_v04_pg8_nam_hoc.doc