Đề thi tuyển sinh Lớp 10 môn Ngữ văn - Mã đề: V02.PG7 - Năm học 2018-2019 (Có đáp án)

Câu 1: Truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân được viết về đề tài gì?

A. Người phụ nữ. C. Người trí thức.

B. Người lính. D. Người nông dân.

Câu 2: Người kể chuyện trong tác phẩm Làng là ai?

A. Bác Thứ C. Bà chủ nhà ông Hai ở trọ.

B. Ông Hai D. Luân chuyển qua nhiều điểm nhìn khác nhau.

Câu 3: Tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân được viết theo thể loại nào?

A. Tiểu thuyết. C. Hồi kí.

B. Truyện ngắn. D. Tùy bút.

Câu 4: Mục đích của việc ông Hai kể chuyện với đứa con là để thể hiện?

A. Yêu và từ hào về làng quê của mình.

B. Để bớt cô đơn và buồn chán vì không có ai để nói chuyện.

C. Để thổ lộ nỗi lòng yêu làng, yêu nước và làm vơi đi nỗi buồn khổ.

D. Mong đứa con hiểu được nỗi lòng của bố nó.

 

doc 5 trang cucpham 01/08/2022 340
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh Lớp 10 môn Ngữ văn - Mã đề: V02.PG7 - Năm học 2018-2019 (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi tuyển sinh Lớp 10 môn Ngữ văn - Mã đề: V02.PG7 - Năm học 2018-2019 (Có đáp án)

Đề thi tuyển sinh Lớp 10 môn Ngữ văn - Mã đề: V02.PG7 - Năm học 2018-2019 (Có đáp án)
MÃ KÍ HIỆU 
..
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 ĐẠI TRÀ
Năm học 2018 - 2019
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài:120 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi gồm 09 câu trong 01 trang)
Phần I. Trắc nghiệm (2,0 điểm) Khoanh tròn vào chữ cái đứng đầu câu trả lời đúng nhất cho mỗi câu hỏi sau:
Câu 1: Truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân được viết về đề tài gì?
A. Người phụ nữ.	C. Người trí thức.
B. Người lính.	D. Người nông dân.
Câu 2: Người kể chuyện trong tác phẩm Làng là ai?
A. Bác Thứ	C. Bà chủ nhà ông Hai ở trọ.	
B. Ông Hai	D. Luân chuyển qua nhiều điểm nhìn khác nhau.
Câu 3: Tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân được viết theo thể loại nào?
A. Tiểu thuyết.	C. Hồi kí.
B. Truyện ngắn.	D. Tùy bút.
Câu 4: Mục đích của việc ông Hai kể chuyện với đứa con là để thể hiện?
A. Yêu và từ hào về làng quê của mình.
B. Để bớt cô đơn và buồn chán vì không có ai để nói chuyện.
C. Để thổ lộ nỗi lòng yêu làng, yêu nước và làm vơi đi nỗi buồn khổ.
D. Mong đứa con hiểu được nỗi lòng của bố nó.
Phần II. Đọc hiểu văn bản (1,5 điểm)
Cho đoạn văn sau:
“Công việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Người ta gọi chúng tôi là tổ trinh sát mặt đường. Cái tên gợi sự khao khát làm nên những sự tích anh hùng. Do đó, công việc cũng chẳng đơn giản. Chúng tôi bị bom vùi luôn. Có khi bò trên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng lóa lên khuôn mặt nhem nhuốc. Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là những con quỷ mắt đen.”
(Những ngôi sao xa xôi- Lê Minh Khuê- Sách Ngữ văn 9 tập 2)
Câu 1: Đoạn văn trên là lời kể của ai? Kể về điều gì? 
Câu 2: Câu “Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là những con quỷ mắt đen” dùng biện pháp tu từ gì? Biện pháp tu từ ấy giúp chúng ta hiểu gì về các nhân vật? 
Câu 3: Câu văn trên gợi liên tưởng đến những câu thơ nào trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật? Vì sao? 
Phần III. Tạo lập văn bản (6,5 điểm).
Câu 1: Bác Hồ đã từng nói: "Đoàn kết là sức mạnh vô địch". Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề trên.
Câu 2: Bài thơ “Sang thu” thể hiện những cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu. Phân tích bài thơ để làm sáng tỏ nhận định trên.
Văn bản:	SANG THU
Bỗng nhận ra hương ổi 
Phả vào trong gió se 
Sương chùng chình qua ngõ 
Hình như thu đã về 
Sông được lúc dềnh dàng 
Chim bắt đầu vội vã 
Có đám mây mùa hạ 
Vắt nửa mình sang thu 
Vẫn còn bao nhiêu nắng 
Đã vơi dần cơn mưa 
Sấm cũng bớt bất ngờ 
Trên hàng cây đứng tuổi.
	Thu 1977
(Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục, tr.70)
------------HẾT------------
 MÃ KÍ HIỆU 
..
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 ĐẠI TRÀ 
Năm học 2018 - 2019
MÔN: NGỮ VĂN
 (Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)
Phần I. Trắc nghiệm (2,0 điểm) 
Câu 1: D.	(0,5 điểm)
Câu 2: B. 	(0,5 điểm)
Câu 3: B.	(0,5 điểm)
Câu 4: C.	(0,5 điểm)
Phần II. Đọc hiểu văn bản.(1,5 điểm)
Câu 1
- Lời của Phương Định (0,25điểm) Kể về công việc của 3 cô gái (Nho, Thao, Phương Định) trong tổ trinh sát mặt đường (0,25điểm) 
Câu 2
- Câu văn sử dụng nghệ thuật: ẩn dụ (0,25điểm) 
- Cho thấy tinh thần lạc quan, trẻ trung, tươi tắn coi thường gian khó và có trách nhiệm cao với công việc của ba cô gái. (0,25điểm) 
Câu 3: 
Chép chính xác những câu thơ trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”: (0,25 điểm)
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”
(Nếu chép một câu: Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha cũng cho tối đa điểm)
Vì đều thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, có trách nhiệm cao trong công việc của những người lính Trường Sơn. (0,25điểm) 
Phần III. Tạo lập văn bản (6,5 điểm).
Câu 1 (2 điểm)
a) Yêu cầu về kỹ năng: Biết cách làm bài nghị luận về tư tưởng đạo lý. Bài có bố cục rõ ràng, mạch lạc, không sai lỗi chính tả, ngữ pháp,diễn đạt. Lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục, ngôn ngữ trong sáng, giàu cảm xúc
b) Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý cơ bản sau: 
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Đoàn kết là một sức mạnh vô địch.
- Giải thích: Đoàn kết là sự hợp nhất về vật chất, tinh thần....của nhiều cá nhân đơn lẻ để giải quyết một công việc, một thử thách ....dẫn tới thành công.
- Tại sao đoàn kết lại tạo nên sức mạnh vô địch? Đoàn kết giúp con người ta vượt qua gian nan, thử thách, vượt qua những sóng gió của cuộc sống...đưa chúng ta đến những nấc thang của vinh quang . Đoàn kết giúp ta có thêm sức mạnh để buốc đi vững vàng hơn. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh, có tình đoàn kết con người yêu thương và gần gũi nhau hơn...
- Khẳng định tính đúng đắn của câu nói: Đó là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, từ gia đình đến cộng đồng xã hội. Đặc biệt trong khó khăn hoạn nạn, chiến tranh bảo vệ tổ quốc, trong xây dựng quê hương....(dẫn chứng).
- Phê phán thái độ, hành động chia rẽ, mất đoàn kết hoặc lợi dụng đoàn kết để bao che khuyết điểm, kéo bè kéo phái...gây ảnh hưởng đến lợi ích chung.
- Khẳng định lại vấn đề, liên hệ mở rộng và rút ra bài học cho bản thân.
c)Thang điểm
- Mức tối đa (2,0 điểm) Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, còn một vài lỗi nhỏ.
- Mức chưa tối đa (1,0 – dưới 2,0 điểm): Hs đạt được 50 - 80% các yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi nhưng không trầm trọng. 
- Mức chưa tối đa (0,25 – dưới 1,0 điểm): bài viết sơ sài, mắc nhiều lỗi. 
- Mức không đạt (0 điểm) Học sinh chưa thể hiện được các yêu cầu trên hoặc không làm bài.
Câu 2: (4,5 điểm)
a) Về kĩ năng: Học sinh biết viết bài văn cảm nhận về nhân vật trong tác phẩm văn học có bố cục rõ ràng, diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
b)Về kiến thức: Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được những ý cơ bản sau:
Mở bài: Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh và bài thơ “Sang thu”. Dẫn ý kiến. Nhận xét sơ bộ về bài thơ.
Thân bài: Lần lượt trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của bài “Sang thu” . Đảm bảo một số ý sau:
* Những cảm nhận ban đầu của nhà thơ về cảnh sang thu của đất trời:
–  Thiên nhiên được cảm nhận từ những gì vô hình:
+ “Hương ổi” là làn hương đặc biệt của mùa thu miền Bắc được cảm nhận từ mùi ổi chín rộ.
+ Từ “phả”: động từ có nghĩa là toả vào, trộn lẫn -> gợi mùi hương ổi ở độ đậm nhất, thơm nồng quyến rũ, hoà vào trong gió heo may của mùa thu, lan toả khắp không gian tạo ra một mùi thơm ngọt mát – hương thơm nồng nàn hấp dẫn của những vườn cây sum suê trái ngọt ở nông thôn Việt Nam.
+ “Sương chùng chình”: sương đang “cố ý” chậm lại thong thả, nhẹ nhàng. Hạt sương sớm mai cũng như có tâm hồn.
–  Cảm xúc của nhà thơ:
+ Kết hợp các từ: “bỗng, hình như” thể hiện tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bâng khuâng trước thoáng đi bất chợt của mùa thu. 
+ Tâm hồn thi sĩ biến chuyển nhịp nhàng với phút giao mùa của cảnh vật. Từng cảnh sang thu thấp thoáng hồn người : chùng chình, bịn rịn, lưu luyến, bâng khuâng
* Hình ảnh thiên nhiên sang thu.
- Thiên nhiên sang thu được nhà thơ phát hiện bằng những hình ảnh quen thuộc làm nên một bức tranh mùa thu đẹp đẽ và trong sáng:
+ Dòng sông quê hương thướt tha mềm mại, hiền hoà trôi một cách nhàn hạ, thanh thản –>gợi lên vẻ đẹp êm dịu của bức tranh thiên thiên mùa thu.
+ Đối lập với hình ảnh trên là những cánh chim chiều bắt đầu vội vã bay về phương Nam tránh rét trong buổi hoàng hôn. Cái tinh tế là ở chữ bắt đầu nó không chỉ diễn tả không gian mà còn diễn tả thời gian.
+ Mây được miêu tả qua sự liên tưởng độc đáo bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết:
-> Gợi hình ảnh một làn mây mỏng, nhẹ, kéo dài của mùa hạ còn sót lại như lưu luyến. Không phải vẻ đẹp của mùa hạ cũng chưa hẳn là vẻ đẹp của mùa thu mà đó là vẻ đẹp của thời khắc giao mùa được sáng tạo từ một hồn thơ tinh tế và nhạy cảm đang say thời khắc giao mùa này.
* Suy ngẫm mang tính triết lí về cuộc đời và con người:
–  Thiên nhiên sang thu được gợi ra qua hình ảnh cụ thể: nắng – mưa.
+ Nắng là hình ảnh cụ thể của mùa hạ. Nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng đã nhạt dần, yếu dần bởi gió se đã đến chứ không chói chang, dữ dội, gay gắt.
+ Mưa cũng đã ít đi. Cơn mưa mùa hạ thường bất ngờ chợt đến rồi lại chợt đi. Từ “vơi” có giá trị gợi tả, diễn tả cái thưa dần, ít dần, hết dần những cơn mưa rào ào ạt, bất ngờ của mùa hạ.
–  Hình ảnh thơ đoa nghĩa:
+ Ý nghĩa tả thực: hình tượng sấm thường xuất hiện bất ngờ đi liền với những cơn mưa rào chỉ có ở mùa hạ. Sấm cuối mùa hạ cũng bớt đi, ít đi lúc sang thu.
+ Ý nghĩa ẩn dụ: “Sấm” là hình ảnh biểu tượng cho những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” gợi tả những con người từng trải, từng vượt qua những khó khăn, thăng trầm. Qua đó, khẳng định bản lĩnh cứng cỏi của con người trước những biến động của cuộc đời.
-> Ngợi ca bản lĩnh cứng cỏi và tốt đẹp của mỗi con người từng trải nói riêng và nhân dân ta nói chung trước những thách thức khó khăn, gian khổ.
	Kết bài: Khẳng định vấn đề và suy nhĩ riêng của bản thân.
c)Thang điểm
*Các tiêu chí Nội dung (4,0 điểm)
- Mức tối đa 4,0 điểm) Hs đạt được các nội dung cơ bản trên.
- Mức chưa tối đa (2,5 – 3,5 điểm): Hs đạt được 60 - 80% các yêu cầu trên. 
- Mức chưa tối đa (0,5 – 2,0 điểm): Hs đạt được 20 - 50% các yêu cầu trên. 
- Mức không đạt (0 điểm) Học sinh chưa thể hiện được các yêu cầu trên hoặc không làm bài.
*Các tiêu chí Hình thức (0,5 điểm)
- Mức tối đa (0,5 điểm): Trình bày sạch, bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát, ít mắc các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt.
Ngôn ngữ giàu sức thuyết phục, bài viết có sự liên kết chặt chẽ, chuyển đoạn, chuyển ý nhịp nhàng, lôi cuốn, hấp dẫn.
- Mức không đạt (0 điểm): Các trường hợp còn lại.
Lưu ý: Giám khảo căn cứ vào bài viết của thí sinh để vận dụng khung điểm cho từng câu một cách linh hoạt. Có thể thưởng điểm cho những bài làm sáng tạo, có chất văn nếu điểm toàn bài chưa đạt tối đa.
------------HẾT------------
PHẦN KÝ XÁC NHẬN:
TÊN FILE ĐỀ THI: V-02-TS10D-18-PG7.DOC 
MÃ ĐỀ THI (DO SỞ GD&ĐT GHI):..
TỔNG SỐ TRANG (GỒM ĐỀ THI VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM) LÀ: 04 TRANG
NGƯỜI RA ĐỀ THI
(Họ và tên, chữ ký)
Phạm Thị Phượng
NGƯỜI THẨM ĐỊNH VÀ PHẢN BIỆN CỦA TRƯỜNG
(Họ và tên, chữ ký)
Lê Hồng Phong
XÁC NHẬN CỦA BGH
(Họ và tên, chữ ký, đóng dấu)

File đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_lop_10_mon_ngu_van_file_de_v02_pg7_nam_hoc.doc