Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V05.PG7 - Năm học 2015-2016 (Có đáp án)

I, Đọc hiểu (6.0 điểm).

Đọc kĩ đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Truyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

 ( Trích Truyện Kiều – Nuyễn Du)

Câu 1. Trong các từ in đậm từ nào được dùng theo nghĩa gốc ? Từ nào được dùng theo nghĩa chuyển và cho biết chúng được chuyển nghĩa theo phương thức nào?

Câu 2. Nêu tác dụng của điệp ngữ trong đoạn thơ?

Câu 3. Thế nào là tả cảnh ngụ tình? Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong đoạn thơ trên?

 

doc 7 trang cucpham 01/08/2022 240
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V05.PG7 - Năm học 2015-2016 (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V05.PG7 - Năm học 2015-2016 (Có đáp án)

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V05.PG7 - Năm học 2015-2016 (Có đáp án)
MÃ KÍ HIỆU
.....
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Năm học: 2015-2016
MÔN: Ngữ văn
(Thời gian làm bài 150 phút)
 ( Đề này gồm 05 câu, 01 trang)
I, Đọc hiểu (6.0 điểm).
Đọc kĩ đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Truyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
 ( Trích Truyện Kiều – Nuyễn Du)
Câu 1. Trong các từ in đậm từ nào được dùng theo nghĩa gốc ? Từ nào được dùng theo nghĩa chuyển và cho biết chúng được chuyển nghĩa theo phương thức nào?
Câu 2. Nêu tác dụng của điệp ngữ trong đoạn thơ?
Câu 3. Thế nào là tả cảnh ngụ tình? Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong đoạn thơ trên?
II, Tạo lập văn bản ( 14.0 điểm)
Câu 1 (6.0 điểm)
“Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. 
(Trích Nhật ký Đặng Thùy Trâm) 
Hãy viết bài văn khoảng 2 trang giấy thi trinh suy nghĩ của em về câu nói trên.
Câu 2 (8.0 điểm) 
“Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp.” 
Hãy khám phá “xứ sở của cái đẹp” qua văn bản Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Truyện đã gợi cho em suy nghĩ về vấn đề gì trong cuộc sống hôm nay.
----------Hết---------
MÃ KÍ HIỆU
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Năm học: 2015-2016
MÔN: Ngữ văn 
 ( Hướng dẫn chấm gồm 05 trang)
I, Đọc hiểu (6.0 điểm)
Học sinh trả lời được: 
Câu 1 (2.0 điểm)
- Từ được dùng theo nghĩa gốc: hoa, sóng (0.5 điểm)
-Từ được dùng theo nghĩa chuyển: cửa, ngọn, chân, mặt. (1.0 điểm)
Các từ trên chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ(0.5 điểm)
Câu 2(2.0 điểm)
Tác dụng của điệp ngữ: 
-Trong 8 câu thơ, tác giả đã sử dụng 4 lần điệp ngữ “buồn trông” ở bốn cảnh khác nhau, nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc, tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều.
-Điệp ngữ này kết hợp với các hình ảnh đứng sau nó diễn tả nỗi buồn ngày càng tăng tiến, chồng chất, mãnh liệt.
- Các điệp ngữ kết hợp với các từ láy tạo nên âm điệu ào ạt của con sóng lòng, khi trầm buồn, khi dữ dội, xô nỗi buồn đến tuyệt vọng.
=>Phép tu từ lặp lại một yếu tố diễn đạt nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc và ý nghĩa, có khả năng gợi hình tượng nghệ thuật và tạo nhịp điệu cho câu thơ.
Câu 3 (2.0 điểm)
Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình 
-Mượn cảnh vật để gửi gắm tâm trạng con người. Cảnh chỉ là phương tiện để miêu tả tâm trạng. (0.5 điểm)
- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong đoạn thơ trên: (1.5 điểm)
+ Đây là đoạn thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc, có thể nói là tuyệt bút của Nguyễn Du.
+ Cảnh được nhìn qua tâm trạng nhân vật Thúy Kiều.
+ Hình ảnh thiên nhiên biểu đạt nội tâm: “Tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”.
+ Mỗi điệp ngữ “buồn trông” lại diễn tả một khung cảnh, một nỗi buồn, một cảnh ngộ khác nhau: nỗi nhớ gia đình, quê hương, người thân; thân phận trôi nổi phiêu bạt nơi góc bể chân trời, lo lắng khi nghĩ tới tương lai mịt mù bế tắc; nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ không biết số phận rồi sẽ ra sao.
=>Tám câu thơ vừa là thực cảnh, vừa là tâm cảnh. Khi người ta rơi vào cảnh ngộ đau khổ, bế tắc nhất, đôi mắt thường hướng ra xa, ngóng vọng một cái gì đó mơ hồ, xa xăm. Nỗi khổ đau vỡ òa trong ảo giác thành nhiều hình ảnh dạt trôi, chao đảo, nghiêng đổ, có khi tuyệt vọng. Đây chính là tình cảnh, tâm trạng của Kiều, nàng đang lâm vào cảnh mong manh, yếu đuối, sợ hãi, cô độc trước cảnh ngộ.
II, Tạo lập văn bản
Câu 1 (6.0 điểm)
1. Yêu cầu cần đạt được:
 a. Về kĩ năng: Biết cách viết bài văn nghị luận xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục, văn viết mạch lạc, trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
b. Về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau: 
* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm).
* Giải thích câu nói (1.0 điểm)
- “ Giông tố”: chỉ những gian nan thử thách hoặc những thất bại, đổ vỡ trong cuộc sống.
- “Đời phải trải qua giông tố”: Đời người luôn phải đối mặt với những khó khăn thử thách. 
- “Không được cúi đầu trước giông tố”: không được buông xuôi chán nản, chấp nhận thất bại .
 ->Ý nghĩa của câu nói: đề cao nghị lực, bản lĩnh sống, ý chí vươn lên của con người khi phải đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc đời. 
*Khẳng định tính đúng đắn của câu nói và lí giải: (3.0 điểm)
- Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng, thuận lợi, mà nhiều khi con người phải đối mặt với những chông gai, thử thách, thậm chí cả thất bại. 
- Gian nan thử thách trong đời chính là môi trường tôi luyện con người trưởng thành. Dù phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại, con người đừng bao giờ đầu hàng số phận mà phải cố gắng vượt qua để sinh tồn và phát triển, xây dựng cuộc đời tốt đẹp hơn. 
- Ý chí, bản lĩnh sống vững vàng sẽ giúp con người thành công; ngược lại không có ý chí, nghị lực con người sẽ nhận sự thất bại, thậm chí là bị hủy diệt. (Dẫn chứng minh hoạ) 
* Khẳng định, bàn bạc mở rộng vấn đề (1.0 điểm)
- Câu nói trên là tiếng nói của thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp, sống đẹp và hào hùng; khẳng định một quan niệm nhân sinh tích cực: sống không sợ gian nan, thử thách, phải có nghị lực và bản lĩnh vươn lên trong mọi hoàn cảnh. 
- Phê phán những người sống không có bản lĩnh, nghị lực, dễ gục ngã trước những khó khăn, trở ngại trên đường đời. (Dẫn chứng minh hoạ) 
* Khái quát vẫn đề, liên hệ, rút ra bài học (0.5 điểm)
Chú ý: Nếu học sinh có những kiến giải riêng, hợp lí, thuyết phục thì giám khảo vẫn đánh giá, cho điểm (không vượt quá điểm tối đa của từng phần).
2. Biểu điểm
- Điểm tối đa (6 điểm): Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. Có thể còn một vài sai sót nhỏ. 
- Điểm chưa tối đa (4-5 điểm): Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ. 
- Điểm chưa tối đa (2-3 điểm): hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Nhưng lập luận không chặt chẽ, bài viết chưa sâu, diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả. 
- Điểm chưa tối đa (1 điểm): Bài viết quá sơ sài.
- Điểm chưa đạt (0 điểm): Sai lạc cả nội dung và phương pháp. 
Câu 2 (8.0 điểm)
1.Yêu cầu cần đạt được
a.Yêu cầu về kĩ năng
Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học kết hợp giải thích nhận định với chứng minh. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ nhận định. Từ câu chuyện học sinh biết liên hệ mở rộng nêu suy nghĩ về một vấn đề trong cuộc sống hôm nay. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc, không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
b. Yêu cầu về kiến thức
Học sinh có thể làm theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo những nội dung cơ bản sau
A.Mở bài: Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận, trích lại câu nói và nêu phạm vi dẫn chứng. (0.5 điểm)
B. Thân bài:
1. Giải thích ý kiến: (1.0 điểm)
- “nhà văn chân chính”: là nhà văn luôn đặt cái đích vào con người, cuộc sống, đem ngòi bút của mình phục vụ đời sống, có ích cho con người.
- “xứ sở của cái đẹp”: đó là cái đẹp muôn hình muôn vẻ của cuộc đời mà nhà văn phản ánh trong tác phẩm. Đó là vẻ đẹp trong tự nhiên, trong con người, trong lao động và chiến đấu, mà nhà văn mang tới cho người đọc. 
Vẻ đẹp ấy không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn ở hình thức tác phẩm. Hình thức tác phẩm đẹp là khả năng xây dựng được những hình tượng nghệ thuật sinh động, độc đáo, hấp dẫn, là khả năng kết cấu tác phẩm chặt chẽ, hợp lí, là nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện. Những cái đẹp về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm không chỉ gợi cho người đọc những rung cảm thẩm mĩ mà còn làm cho con người thêm mến yêu cuộc sống, thêm khao khát hướng tới những gì đẹp đẽ, tốt lành của cuộc đời. 
-> cả câu: Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường cho bạn đọc khám phá những vẻ đẹp của cuộc sống thông qua các sáng tác văn học. Nhận định trên đã khẳng định về vai trò của nhà văn và tác phẩm với đời sống. 
2. “ Xứ sở của cái đẹp” trong truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long (4.5 điểm)
* Cái đẹp về nội dung:
- Lặng lẽ Sa đem đến cho người đọc thưởng thức bức tranh núi rừng rộng lớn vùng Tây Bắc. Bức tranh thiên nhiên được miêu tả từ xa đến gần, từ bầu trời đến mặt đất. Xa xa núi cao, thác đổ trắng xóa, đường núi quanh co uốn lượn, cây cối rậm rạp, những đàn bò lang đủng đỉnh ăn cỏ trong thung lũng ven đường, nắng len tới đốt cháy rừng cây  mây bị nắng xua cuộn tròn những vòm lá ướt sương. Đến gần là vườn hoa dơn, hoa thược dược vàng, tím, hồng phấn,.. với đủ mọi sắc màu rực rỡ do bàn tay con người tạo nên. Tất cả đã làm nên một bức tranh thiên nhiên đẹp kì lạ, hấp dẫn, gợi ra cho ta bao liên tưởng và sự khao khát về vùng đất thơ mộng. (1.5 điểm)
- Tác phẩm còn đem đến cho người đọc chiêm ngưỡng một chân dung đẹp – hình tượng anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn: Anh vượt qua buồn chán cô đơn của bản thân để tạo cho mình cuộc sống có ý nghĩa. Người đọc tìm thấy ở anh vẻ đẹp tâm hồn và đặc biệt là lí tưởng sống: yêu nghề, yêu cuộc sống, yêu con người, sống khiêm tốn, giản dị. Những suy nghĩ, việc làm và hành động, thái độ của anh với công việc với mọi người khiến người ta cảm phục, noi theo và tin yêu cuộc sống. (Có dẫn chứng minh họa) (2.0 điểm)
* Truyện còn đẹp về nghệ thuật, đem lại cho ta tình yêu văn chương, những rung cẩm thẩm mỹ trước cái đẹp: (1.0 điểm)
- Nhan đề: ngắn gọn, giàu ý nghĩa. Sa Pa nhìn bề ngoài tưởng là lặng lẽ nhưng lại không hề lặng lẽ chút nào bởi những con người ở đó đang làm việc ngày đêm sôi nổi, khẩn trương, cống hiến tuổi trẻ cho đất nước.
- Cốt truyện, tinh huống: không cầu kì, gay gắt hay tạo ra sự lạ và độc đáo mà giản đơn qua một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của mấy nhân vật, nhà văn đã xây dựng quan hệ riêng – chung thật đẹp.
- Hệ thống ngôn ngữ: giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, chất tạo hình, âm điệu nhẹ nhàng, êm ái, cuốn hút.
3. Những vấn đề đáng suy nghĩ trong cuộc sống được gợi ra từ tác phẩm: (1.5 điểm)
Học sinh có thể nêu một trong các vấn đề sau:
- Quan niệm về lối sống đẹp: 
+ Sống đẹp là lối sống mình vì mọi người, biết cống hiến hi sinh quyền lợi bản thân vì người khác vì quê hương, đất nước. ( dẫn chứng)
+ Ý nghĩa của lối sống đẹp: làm cho mọi người tin yêu, quý mến, làm cho người gần người hơn, làm cho xã hội phát triển tốt đẹp. 
+ Phê phán những con người có lối sống ích kỉ, bon chen chỉ vì mình, sống chỉ để hưởng thụ.
+ Nêu hướng hành động
- Lí tưởng sống của thanh niên Việt Nam hiện nay
+ Đại bộ phận thanh niên vẫn tiếp tục kế thừa lí tưởng sống của cha ông – sống là để cống hiến, sống là làm được những việc có ích cho đời; họ nỗ lực phấn đấu, sống hết mình, làm việc hết mình không phải chỉ đem lại giá trị cho tập thể mà còn làm nên giá trị riêng cho bản thân, làm nên sự nghiệp cho gia đình. Đó là lối sống đẹp cần phát huy ở mọi thời đại.
+ Biểu hiện của lối sống có lí tưởng: muốn tự mình lập nghiệp, theo đuổi những ước mơ hoài bão tốt đẹp, lập nghiệp để làm giàu cho bản thân, đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình, quê hương, đất nước, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân; phát minh, sáng chế khoa học kĩ thuật để góp phần giải phóng sức lao động của con người... 
+ Một bộ phận thanh niên lại quan niệm cuộc sống có lí tưởng là được hưởng thụ, được sống sung sướng, nhàn hạ mà không phải làm vất vả, chỉ cần sống cho bản thân mình. Đây là quan điểm sống sai lầm cần phê phán vì nếu ai sống cũng chỉ biết hưởng thụ cá nhân mà không đóng góp, cống hiến cho xã hội thì xã hội sẽ không thể phát triển tốt đẹp, không giàu mạnh được
+ Nêu hướng hành động của bản thân
- Mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng: 
+ Cá nhân: cá thể mỗi con người; cộng đồng là tập hợp nhiều cá thể dựa trên cơ sở một số điểm cùng chung.
+ Cá nhân và cộng đồng có mối quan hệ mật thiết với nhau: vì mỗi cá nhân là một thành viên của một tập thể, một cộng đồng. Một tập thể, một cộng đồng chỉ được làm nên từ sự tập hợp của các cá thể. Mỗi con người là một tế bào của xã hội. Một cá nhân có phát triển tốt đẹp, tích cực đóng góp cho xã hội, cộng đồng thì xã hội, cộng đồng mới phát triển tốt đẹp. Ngược lại nếu các cá nhân phát triển theo hướng xấu thì sẽ ảnh hưởng xấu đến tập thể, cộng đồng. 
+ Cuộc sống con người luôn đặt trong mối quan hệ ràng buộc, nếu đoàn kết gắn bó sẽ tạo nên sức mạnh làm vơi đi khó khăn trong cuộc sống, vượt qua gian nan làm nên thắng lợi. Nếu con người không biết chia sẻ, gắn bó, chỉ sống đơn lẻ, con người sẽ chết trong cô đơn. 
+ Phê phán những con người chỉ biết sống ích kỉ, khép mình, không biết sẻ chia, không sống gần gũi với mọi người.
+ Tư tưởng nhận thức và hành động: cần phải sống mình vì mọi người và biết sống mọi người vì mình.
C, Kết bài: (0.5 điểm)
- Cái đẹp trong tác phẩm văn học đa dạng, phong phú, được nhà văn khơi nguồn, kết tinh từ cuộc sống.
- Đời sống tự nhiên ấy được khúc xạ qua ánh sáng, cảm quan, quá trình lao động cực nhọc, sáng tạo say mê của nhà văn mà có được sức hấp dẫn, những giá trị đẹp cho con người, làm cho con người sống tốt hơn.
- Mỗi chúng ta phải yêu cái đẹp văn chương, yêu tấm lòng của nhà văn bởi họ là những kĩ sư tâm hồn, đốt cháy mình để có được ánh sáng, niềm vui dẫn ta đến những bến bờ, xứ sở của cái đẹp của cuộc sống.
- Liên hệ hành động của bản thân.
2. Biểu điểm
- Điểm tối đa (8,0 điểm): Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. 
- Điểm chưa tối đa (6-7 điểm): Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. Có thể còn một vài sai sót nhỏ. 
- Điểm chưa tối đa (4-5 điểm): Cơ bản đáp ứng được 2/3 yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ. 
- Điểm chưa tối đa (2-3 điểm): Cơ bản đáp ứng 1/3 yêu cầu. Bố cục bài viết rõ ràng, văn viết sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng hoặc đáp ứng được 2/3 yêu cầu trên phân tích được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc nhiều sai sót. 
- Điểm chưa tối đa (0.5-1 điểm): Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả. 
- Điểm không đạt (0 điểm): Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
-----------Hết-----------
PHẦN KÝ XÁC NHẬN:
TÊN FILE ĐỀ THI: V-05-HSG9-15-PG7 
MÃ ĐỀ THI (DO SỞ GD&ĐT GHI):..
TỔNG SỐ TRANG (ĐỀ THI VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM) LÀ: 6 TRANG.
NGƯỜI RA ĐỀ THI
(Họ tên, chữ ký)
Ngô Thị Phương Loan
TỔ TRƯỞNG
(Họ tên, chữ ký)
Ngô Thị Phương Loan
XÁC NHẬN CỦA BGH
(Họ tên, chữ ký, đóng dấu)

File đính kèm:

  • docde_thi_hoc_sinh_gioi_ngu_van_lop_9_ma_de_v05_pg7_nam_hoc_201.doc