Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V03.PG7 - Năm học 2016-2017 (Có đáp án)

I, Đọc hiểu (6,0 điểm).

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi

“Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

Mẹ ơi, trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa.”

 (Trích "Trong lời mẹ hát - Trương Nam Hương)

1. Đoạn thơ trên sáng tác theo thể thơ nào? (0,5 điểm)

2. Chỉ ra và nêu giá trị của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong khổ thơ 1 ở ngữ liệu trên. (3,5 điểm)

3. Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về khổ thứ hai (2,0 điểm)

 

doc 5 trang cucpham 1820
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V03.PG7 - Năm học 2016-2017 (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V03.PG7 - Năm học 2016-2017 (Có đáp án)

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V03.PG7 - Năm học 2016-2017 (Có đáp án)
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Năm học: 2016-2017
MÔN: Ngữ văn
(Thời gian làm bài 150 phút)
 ( Đề này gồm 05 câu, 01 trang)
I, Đọc hiểu (6,0 điểm).
Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi
“Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao. 
Mẹ ơi, trong lời mẹ hát
Có cả cuộc đời hiện ra
Lời ru chắp con đôi cánh
Lớn rồi con sẽ bay xa.”
	(Trích "Trong lời mẹ hát - Trương Nam Hương)
Đoạn thơ trên sáng tác theo thể thơ nào? (0,5 điểm)
Chỉ ra và nêu giá trị của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong khổ thơ 1 ở ngữ liệu trên. (3,5 điểm)
Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về khổ thứ hai (2,0 điểm)
II, Tạo lập văn bản (14,0 điểm)
Câu 1 (6,0 điểm)
“Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. 
(Trích Nhật ký Đặng Thùy Trâm) 
Hãy viết bài văn khoảng 2 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên.
Câu 2 (8,0 điểm) 
“ Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp.” 
Hãy khám phá “xứ sở của cái đẹp” qua bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh (Ngữ văn 9, tập 2).
----------Hết---------
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Năm học: 2016-2017
MÔN: Ngữ văn 
 ( Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)
I, Đọc hiểu (6,0 điểm)
Học sinh trả lời được: 
1.(0,5 điểm)
 Đoạn thơ trên sáng tác theo thể thơ lục ngôn/ sáu chữ.
2. (3,5 điểm)
a. Yêu cầu về kĩ năng:
HS cần chỉ ra được các biện pháp nghệ thuật và nêu được tác dụng của chúng trong việc chuyển tải nội dung.
b. Yêu cầu về hình thức:
HS có thể có nhiều cách trình bày tách riêng nội dung hoặc viết bài tổng hợp nhưng phải đảm bảo rõ các yêu cầu của câu hỏi
- Phép nhân hoá: Thời gian chạy qua tóc mẹ (0,5 điểm)
-> Việc sử dụng nhân hóa gợi tả: thời gian trôi qua vô cùng nhanh hay cuộc đời mỗi con người trôi theo năm tháng, thấm thoát mẹ đã qua tuổi thanh xuân (0,5 điểm)
- Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: màu trắng đến nôn nao (0,5 điểm)
-> ẩn dụ chuyển đổi cảm giác kết hợp với từ láy nôn nao gợi tả: Màu thời gian làm tóc mẹ bạc. Đó vừa là hình ảnh chân thực, vừa gợi cảm giác trong lòng mỗi người con - cảm giác nôn nao của niềm kính trọng, biết ơn và lẫn cả nỗi thương yêu, xót xa của con khi nhìn mái tóc của mẹ đã in hằn dấu vết tháng năm. Mái tóc ấy không còn xanh mướt, đen óng như xưa... (0,5 điểm)
- Thông qua hình ảnh đối lập: “còng dần xuống/ngày một thêm cao” diễn tả cuộc đời mẹ đã làm lụng vất vả để nuôi con khôn lớn nên người.(1,0 điểm)
=> Viết ra những dòng thơ chan chứa tình cảm đó, chứng tỏ tác giả rất thấu hiểu nỗi gian truân vất vả của mẹ. Qua đó ta cũng thấy tình cảm dành cho mẹ cũng thật là đẹp đẽ, sâu đậm.(0,5 điểm)
3. (2,0 điểm) 
Hs cần viết thành một đoạn văn diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc và cảm nhận được các nội dung sau:
- Khổ thơ nói về ý nghĩa tiếng hát/lời ru của mẹ đối với con.
- Nhờ tiếng hát của mẹ mà con hiểu cuộc đời, đặc biệt là hiểu được sự vất vả và tình yêu thương mà mẹ dành cho con. 
- Chính lời ru của mẹ đã chắp cho con đôi cánh, đã cho con ước mơ, niềm tin và nghị lực để con bay cao, bay xa. 
- Mẹ chính là động lực, là cuộc sống của con.
II, Tạo lập văn bản ( 14,0 điểm)
Câu 1 (6,0 điểm)
1. Yêu cầu cần đạt được:
 a. Về kĩ năng: Biết cách viết bài văn nghị luận xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục, văn viết mạch lạc, trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
b. Về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau: 
* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm).
* Giải thích câu nói (1,0 điểm)
- “ Giông tố”: chỉ những gian nan thử thách hoặc những thất bại, đổ vỡ trong cuộc sống.
- “Đời phải trải qua giông tố”: Đời người luôn phải đối mặt với những khó khăn thử thách. 
- “Không được cúi đầu trước giông tố”: không được buông xuôi chán nản, chấp nhận thất bại .
 ->Ý nghĩa của câu nói: đề cao nghị lực, bản lĩnh sống, ý chí vươn lên của con người khi phải đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc đời. 
*Khẳng định tính đúng đắn của câu nói và lí giải: (3,0 điểm)
- Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng, thuận lợi mà nhiều khi con người phải đối mặt với những chông gai, thử thách, thậm chí cả thất bại. 
- Gian nan thử thách trong đời chính là môi trường tôi luyện con người trưởng thành. Dù phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại, con người đừng bao giờ đầu hàng số phận mà phải cố gắng vượt qua để sinh tồn và phát triển, xây dựng cuộc đời tốt đẹp hơn. 
- Ý chí, bản lĩnh sống vững vàng sẽ giúp con người thành công; ngược lại không có ý chí, nghị lực con người sẽ nhận sự thất bại, thậm chí là bị hủy diệt. (Dẫn chứng minh hoạ) 
* Khẳng định, bàn bạc mở rộng vấn đề (1,0 điểm)
- Câu nói trên là tiếng nói của thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp, sống đẹp và hào hùng; khẳng định một quan niệm nhân sinh tích cực: sống không sợ gian nan, thử thách, phải có nghị lực và bản lĩnh vươn lên trong mọi hoàn cảnh. 
- Phê phán những người sống không có bản lĩnh, nghị lực, dễ gục ngã trước những khó khăn, trở ngại trên đường đời. (Dẫn chứng minh hoạ) 
* Khái quát vấn đề, liên hệ, rút ra bài học (0,5 điểm)
Chú ý: Nếu học sinh có những kiến giải riêng, hợp lí, thuyết phục thì giám khảo vẫn đánh giá, cho điểm (không vượt quá điểm tối đa của từng phần).
Câu 2 (8,0 điểm)
1.Yêu cầu cần đạt được
	a. Về kĩ năng 
	Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận. 
 Bố cục hợp lý chặt chẽ, văn viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi về chính tả, diễn đạt. 
	b. Về kiến thức
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:
Nội dung
Điểm
1
 Giới thiệu được vấn đề nghị luận
0,5 
2
Giải thích ý kiến
- “nhà văn chân chính”: là nhà văn luôn đặt cái đích vào con người, cuộc sống, đem ngòi bút của mình phục vụ đời sống, có ích cho con người.
- “xứ sở của cái đẹp”: đó là cái đẹp muôn hình muôn vẻ của cuộc đời mà nhà văn phản ánh trong tác phẩm, gợi những rung cảm thẩm mĩ, làm cho con người thêm mến yêu cuộc sống, thêm khao khát hướng tới những gì đẹp đẽ, tốt lành của cuộc đời. Cái đẹp thể hiện ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
->Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường cho bạn đọc khám phá những vẻ đẹp của cuộc sống thông qua các sáng tác văn học. Nhận định trên đã khẳng định về vai trò của nhà văn và tác phẩm với đời sống.
1,0
3
 “Xứ sở của cái đẹp” trong bài thơ “Sang thu”
- Vẻ đẹp của thiên nhiên lúc sang thu
+ Đó là phút giao mùa cuối hạ, đầu thu ở vùng quê đồng bằng Bắc bộ trong trẻo, dịu nhẹ với những tín hiệu sang thu rất mơ hồ, mong manh: hương ổi sánh lại, gió thu se se, làn sương giăng mắc nơi đầu thôn ngõ xóm
+ Nhà thơ cảm nhận tinh tế sự vận động của thiên nhiên nhẹ nhàng mà rõ rệt: từ khu vườn với những hình ảnh vừa cụ thể vừa vô hình (hương ổi, sương, gió, ngõ) mở rộng đến không gian rộng lớn, bao la (dòng sông, bầu trời, cánh chim, đám mây), cảnh thu đi dần vào tâm tưởng lắng đọng suy tư (nắng, mưa, sấm, hàng cây). 
-> Bức tranh thiên nhiên mùa thu được thi sĩ cảm nhận tinh tế qua nhiều yếu tố, bằng nhiều giác quan đem đến cho người đọc sự rung cảm, tình yêu với vẻ đẹp của quê hương, đất nước.
- Vẻ đẹp của những suy tư, chiêm nghiệm của con người
 + Từ tâm trạng ngỡ ngàng, say sưa có chút bâng khuâng, tiếc nuối nhà thơ kín đáo thể hiện những suy ngẫm, triết lý về đời người: khi con người từng trải thì cũng vững vàng hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời (Sấm cũng bớt bất ngờ - Trên hàng cây đứng tuổi). Thiên nhiên sang thu hay cũng chính là đời người đã sang thu.
+ Bài thơ còn gợi những liên tưởng sâu xa về thế sự. Đất nước lúc đó vừa qua thời đạn bom bước vào cuộc sống hòa bình. Những tháng năm sôi động hào hùng lắng lại, thay vào đó là nhịp sống mới. Lối sống của con người cũng có nhiều thay đổi, trời đất sang thu và đất nước cũng sang thu.
- Vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật
+ Thể thơ năm chữ.
+ Ngôn ngữ thơ giản dị, hàm súc, tự nhiên. 
+ Hình ảnh thơ đẹp, sáng tạo, giàu sức gợi qua các biện pháp tu từ: nhân hóa, ẩn dụ, phép đối.
* Sang thu, khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng mà cũng thầm thì triết lí, góp một tiếng thơ đằm thắm về mùa thu quê hương, đất nước.
5,5
3,0
1,0
1,5
4
 Đánh giá, khái quát vấn đề
- Cái đẹp trong tác phẩm văn học được nhà văn khơi nguồn, kết tinh từ cuộc sống luôn có sức hấp dẫn với người đọc, bồi đắp những giá trị tốt đẹp cho con người.
- Xứ sở của cái đẹp trong bài thơ “Sang thu” chính là vẻ đẹp của thiên nhiên, của tình đời làm nên giá trị của thi phẩm và khẳng định tài năng của nhà thơ Hữu Thỉnh. 
- Mỗi chúng ta phải yêu cái đẹp văn chương, yêu tấm lòng của nhà thơ bởi họ là những kĩ sư tâm hồn, đốt cháy mình để có được ánh sáng, niềm vui dẫn ta đến những bến bờ, xứ sở của cái đẹp của cuộc sống.
- Liên hệ hành động của bản thân.
1,0
2. Biểu điểm
- Điểm tối đa (8,0 điểm): Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. 
- Điểm chưa tối đa (6-7 điểm): Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. Có thể còn một vài sai sót nhỏ. 
- Điểm chưa tối đa (4-5 điểm): Cơ bản đáp ứng được 2/3 yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ. 
- Điểm chưa tối đa (2-3 điểm): Cơ bản đáp ứng 1/3 yêu cầu, bố cục bài viết rõ ràng, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng hoặc đáp ứng được 2/3 yêu cầu trên phân tích được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc nhiều sai sót. 
- Điểm chưa tối đa (0,5-1 điểm): Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả. 
- Điểm không đạt (0 điểm): Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
-----------Hết-----------
PHẦN KÝ XÁC NHẬN:
TÊN FILE ĐỀ THI: V-03-HSG9-16-PG7.doc 
MÃ ĐỀ THI (DO SỞ GD&ĐT GHI):..
TỔNG SỐ TRANG (ĐỀ THI VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM) LÀ: 4 TRANG.
NGƯỜI RA ĐỀ THI
(Họ tên, chữ ký)
Ngô Thị Phương Loan
NGƯỜI THẨM ĐỊNH VÀ PHẢN BIỆN
(Họ tên, chữ ký)
 Vũ Thị Chuyên
XÁC NHẬN CỦA BGH
(Họ tên, chữ ký, đóng dấu)

File đính kèm:

  • docde_thi_hoc_sinh_gioi_ngu_van_lop_9_file_de_v03_pg7_nam_hoc_2.doc