Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V02.PG7 - Năm học 2016-2017 (Có đáp án)

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Em hãy nêu điểm gặp gỡ và sáng tạo của các nhà thơ qua những câu thơ sau:

 “ Cỏ non xanh tận chân trời

 Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

 (Trích “Truyện Kiều”- Nguyễn Du)

 “ Mọc giữa dòng sông xanh

 Một bông hoa tím biếc”

 (Trích “Mùa xuân nho nhỏ”- Thanh Hải)

 

doc 9 trang cucpham 1880
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V02.PG7 - Năm học 2016-2017 (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V02.PG7 - Năm học 2016-2017 (Có đáp án)

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Mã đề: V02.PG7 - Năm học 2016-2017 (Có đáp án)
MÃ KÍ HIỆU
..
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS
NĂM HỌC 2016 - 2017
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài:150 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề thi gồm 03 câu trong 01 trang
Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Em hãy nêu điểm gặp gỡ và sáng tạo của các nhà thơ qua những câu thơ sau:
	“ Cỏ non xanh tận chân trời
	Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
	 (Trích “Truyện Kiều”- Nguyễn Du)
	“Mọc giữa dòng sông xanh
	 Một bông hoa tím biếc”
	 (Trích “Mùa xuân nho nhỏ”- Thanh Hải)
Phần II. Tạo lập văn bản.
Câu 1 (6,0 điểm). Viết văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) về chủ đề quê hương. 
Câu 2 (8.0 điểm).
Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân gợi cho em những suy nghĩ gì về những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp? Từ đó hãy nêu nhận xét về tình yêu nước của nhân dân ta trong thời đại ngày nay.
------HẾT------
MÃ KÍ HIỆU
..
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS 
NĂM HỌC 2016 - 2017
Môn: Ngữ văn
 (Hướng dẫn chấm này gồm 07 trang)
Phần I. Đọc hiểu. (6.0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng.
- Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học.
- Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
- Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (Phân tích, chứng minh, bình luận...)
- Văn viết trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, không mắc các loại lỗi.
 2. Yêu cầu về kiến thức.
Thí sinh có thể làm theo các cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
	- Giới thiệu những nét cơ bản về các tác giả, tác phẩm, câu thơ (0,5 điểm).
	- Chỉ ra sự tương đồng (2,0 điểm):
	+ Bức tranh mùa xuân tươi tắn, tràn đầy sức sống; đều có những tín hiệu đặc trưng của mùa xuân.
+ Bút pháp: Giàu chất hội họa, bức tranh có đường nét, màu sắc hài hòa, thanh nhã.
	+ Cảm xúc của thi nhân: thiết tha, say sưa, thể hiện tình yêu mùa xuân tha thiết.
	- Sáng tạo riêng của các nhà thơ (2,0 điểm):
	+ Mỗi tác giả lại chọn những hình ảnh thơ khác nhau: Trong thơ của Nguyễn Du là “cỏ non”, “hoa lê” tạo ra bức tranh xuân khoáng đạt, trong trẻo, tinh khôi; trong thơ của Thanh Hải lại là “dòng sông”, “bông hoa tím” để tạo nên bức tranh thơ mộng, dịu dàng rất Huế.
	+ Vận dụng các thể thơ khác nhau: Thể thơ lục bát tạo âm hưởng ngọt ngào trong thơ của Nguyễn Du, còn Thanh Hải với thể thơ ngũ ngôn gợi chất nhạc thiết tha, trong sáng.
- Đánh giá (1,0 điểm):
 	+ Sự gặp gỡ là do các nhà thơ đều có chung một nguồn thi hứng.
	+ Sự sáng tạo là yếu tố quan trọng của thi ca, điểm khác nhau ở những câu thơ là do hai nhà thơ ở hai thời đại khác nhau và tâm thế sáng tạo của mỗi thi nhân cũng khác nhau.
	+ Hai nhà thơ đã góp vào thi ca những vần thơ tuyệt tác.
3. Cho điểm 
*Các tiêu chí Nội dung (5,5 điểm)
- Mức tối đa (5,5 điểm) Hs đạt được các nội dung cơ bản trên.
- Mức chưa tối đa (3,0 – 5,0 điểm): Hs đạt được 60 - 80% các yêu cầu trên. 
- Mức chưa tối đa (1,0 – 2,75 điểm): Hs đạt được 20 - 50% các yêu cầu trên. 
- Mức không đạt (dưới 1 điểm) Học sinh chưa thể hiện được các yêu cầu trên hoặc không làm bài.
	*Các tiêu chí Hình thức (0,5 điểm)
- Mức tối đa (0,5 điểm): HS viết đầy đủ bố cục, sắp xếp hợp lí, chữ viết rõ ràng, trình bày khoa học. Thể hiện sự tìm tòi trong diễn đạt, dùng đa dạng các kiểu câu phù hợp với mục đích trình bày. Sử dụng từ ngữ có chọn lọc
- Mức chưa tối đa (0,25 điểm): Hs đạt được ½ các yêu cầu trên. Hoặc học sinh thể hiện sự cố gắng trong việc thực hiện một trong các yêu cầu trên nhưng kết quả đạt chưa tốt, lời văn cảm xúc còn nghèo nàn. 
- Mức không đạt (0 điểm): Các trường hợp còn lại.
	Câu 2. (6,0 điểm):
	1. Về kỹ năng:
+ Viết được bài văn nghị luận xã hội với bố cục hoàn chỉnh.
+ Biết kết hợp các thao tác nghị luận trong quá trình làm bài: Phân tích, chứng minh, bình luận
+ Trình bày bài viết đúng với yêu cầu của đề: văn bản nghị luận có đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết luận), và không quá một trang giấy thi. 
+ Không mắc lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả.
	2. Về kiến thức: Đề bài yêu cầu HS viết một văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) về chủ đề quê hương. Đây là dạng bài nghị luận xã hội (về một vấn đề tư tưởng, đạo lí) với hình thức “mở”, tạo điều kiện cho HS có thể trình bày ý kiến, cảm nhận của mình xoay quanh chủ đề quê hương (như vai trò của quê hương đối với đời sống con người, tình yêu, sự gắn bó đối với quê hương...). Tuy vậy, HS cần đáp ứng được hai yêu cầu chính sau đây: 
- Giải thích khái niệm quê hương: có thể hiểu khái quát là nơi ta sinh ra, lớn lên, có gia đình, kỉ niệm thời thơ ấu... 
- Vị trí, vai trò của quê hương trong đời sống của mỗi con người: 
+ Mỗi con người đều gắn bó với quê hương, mang bản sắc, truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương. Chính vì thế, tình cảm dành cho quê hương ở mỗi con người là tình cảm có tính chất tự nhiên, sâu nặng. 
+ Quê hương luôn bồi đắp cho con người những giá trị tinh thần cao quí (tình làng nghĩa xóm, tình cảm quê hương, gia đình sâu nặng...). 
+ Quê hương luôn là điểm tựa vững vàng cho con người trong mọi hoàn cảnh, là nguồn cổ vũ, động viên, là đích hướng về của con người. 
(Lưu ý: HS lấy dẫn chứng trong đời sống, trong văn học để chứng minh) 
- Bàn bạc mở rộng: 
+ Phê phán một số người không coi trọng quê hương, không có ý thức xây dựng quê hương, thậm chí quay lưng, phản bội quê hương, xứ xở. 
+ Tình yêu quê hương cũng đồng nhất với tình yêu đất nước, Tổ quốc. 
- Phương hướng, liên hệ: 
+ Xây đắp, bảo vệ quê hương, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mổi con người. 
+ Là HS, ngay từ bây giờ phải tu dưỡng, tích lũy kiến thức để sau này xây dựng, bảo vệ quê hương. 
3. Cho điểm 
*Các tiêu chí Nội dung (5,5 điểm)
- Mức tối đa (5,5 điểm) Hs đạt được các nội dung cơ bản trên.
- Mức chưa tối đa (3,0 – 5,0 điểm): Hs đạt được 60 - 80% các yêu cầu trên. 
- Mức chưa tối đa (1,0 – 2,75 điểm): Hs đạt được 20 - 50% các yêu cầu trên. 
- Mức không đạt (dưới 1 điểm): Học sinh chưa thể hiện được các yêu cầu trên hoặc không làm bài.
	*Các tiêu chí Hình thức (0,5 điểm)
- Mức tối đa (0,5 điểm): HS viết đầy đủ bố cục, sắp xếp hợp lí, chữ viết rõ ràng, trình bày khoa học. Thể hiện sự tìm tòi trong diễn đạt, dùng đa dạng các kiểu câu phù hợp với mục đích trình bày. Sử dụng từ ngữ có chọn lọc
- Mức chưa tối đa (0,25 điểm): Hs đạt được ½ các yêu cầu trên. Hoặc học sinh thể hiện sự cố gắng trong việc thực hiện một trong các yêu cầu trên nhưng kết quả đạt chưa tốt, lời văn cảm xúc còn nghèo nàn. 
- Mức không đạt (0 điểm): Các trường hợp còn lại.
Câu 3. (8,0 điểm):
1. Yêu cầu về kĩ năng.
Đảm bảo một văn bản nghị luận có bố cục rõ ràng, hợp lí, tổ chức sắp xếp ý một cách lôgic, chặt chẽ, hành văn trôi chảy, mạch lạc, chữ viết rõ ràng, cẩn thận, không có quá 3 lỗi về chính tả, dùng từ, diễn đạt
2. Yêu cầu về kiến thức.
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý cơ bản sau:
* Dẫn dắt giới thiệu vấn đề nghị luận:
- Kim Lân là nhà văn am hiểu cuộc sống nông thôn và người dân Miền Bắc. Ông có sở trường viết truyện ngắn và truyện của ông thường viết về đề tài nông dân. Truyện ngắn “Làng” được ông sáng tác trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang bùng nổ trên quy mô toàn quốc. Đây là một tác phẩm xuất sắc thể hiện thành công hình ảnh người nông dân thời đại cách mạng và kháng chiến mà tình yêu làng quê đã hoà nhập cùng lòng yêu nước và tinh thần của người dân kháng chiến. Nhân vật ông Hai trong truyện có những nét tình cảm cao đẹp và đáng quý đó. Để đến hôm nay, nhân dân ta tiếp tục kế thừa và hát huy.
* Nghị luận, phân tích tình yêu làng, yêu nước ở nhân vật ông Hai:
Luận điểm bao trùm bài nghị luận : Ở nhân vật ông Hai, tình yêu quê hương, yêu làng Dầu đã quyện chặt với lòng yêu nước. Đây là vẻ đẹp đáng quý của nhân vật, cũng là điều tâm huyết nhất mà nhà văn muốn nói với người đọc.
Luận điểm 1: Tình yêu làng, yêu nước của ông Hai khi đi tản cư.
 - Cũng như bao con người Việt Nam khác ông Hai cũng có một quê hương để yêu thương, gắn bó. Làng chợ Dầu luôn là niềm tự hào, kiêu hãnh của ông. Kháng chiến bùng nổ, người dân phải dời làng đi sơ tán, ông Hai cũng theo dòng người ấy sơ tán đến một miền quê xa xôi, hẻo lánh. Ông Hai thực sự buồn khi phải xa làng. Ở nơi tản cư, lòng ông đau đáu nhớ quê, cứ “ nghĩ về những ngày làm việc cùng anh em”, ông nhớ làng quá. 
- Ông Hai luôn khoe và tự hào về cái làng Dầu không chỉ vì nó đẹp mà còn bởi nó tham gia vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc. 
- Ông luôn tìm cách nghe tin tức về kháng chiến “chẳng sót một câu nào”. Nghe được nhiều tin hay , những tin chiến thắng của quân ta, ruột gan ông cứ múa cả lên, náo nức, bao nhiêu ý nghĩ vui thích chen chúc trong đầu óc. 
Luận điểm 2: Tình yêu làng, yêu nước của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc:
(Nhưng khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc thì bao nhiêu tình cảm tốt đẹp ấy trong ông Hai bỗng nhiên biến thành những nỗi lo âu, dằn vặt)
 - Khi nghe tin quá đột ngột, ông Hai sững sờ, xấu hổ và uất ức: “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi tưởng như không thở được”. Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông còn cố chưa tin cái tin ấy”. Nhưng rồi những người tản cư đã kể rành rọt quá, lại khẳng định họ “vừa ở dưới ấy lên” làm ông không thể không tin. Niềm tự hào về làng thế là sụp đổ tan tành trước cái tin sét đánh ấy. Cái mà ông yêu quý nhất nay cũng đã lại quay lưng lại với ông. Không chỉ xấu hổ trước bà con mà ông cũng tự thấy ông mất đi hạnh phúc của riêng ông, cuộc đời ông cũng như chết mất một nửa. 
 - Từ lúc ấy trong tâm trí ông Hai chỉ còn có cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó thành một nỗi ám ảnh day dứt. Ông tìm cách lảng tránh những lời bàn tán và cúi gằm mặt xuống ra về. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông “cúi gằm mặt mà đi”, về đến nhà ông nằm vật ra giường, rồi tủi thân nhìn đàn con, “nước mắt ông lão cứ giàn ra”. Bao nhiêu câu hỏi dồn về xoắn xuýt, bủa vây làm tâm trạng ông rối bời trong cơn đau đớn, hụt hẫng đến mê dại, dữ dằn và gay gắt.. Ông cảm thấy như chính ông mang nỗi nhục của một tên bán nước theo giặc, cả các con ông cũng sẽ mang nỗi nhục ấy. 
- Suốt mấy ngày ông không dám đi đâu. Ông quanh quẩn ở nhà, nghe ngóng tình hình bên ngoài. “Một đám đông túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, người ta đang bàn tán đến “cái chuyện ây”. Thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam –nhông là ông lủi ra một góc nhà, nín thít. Thôi lại chuyện ấy rồi!”
- Nhưng chính lúc này, tình cảm đẹp trong con người ông Hai lại càng được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Những đau đớn, dằn vặt, sự hổ thẹn đến tột cùng đã đẩy ông Hai vào một tình huống phải lựa chọn. Quê hương và Tổ Quốc, bên nào nặng hơn? Quê hương đáng yêu, đang tự hào... Nhưng giờ đây.... dường như mới chỉ nghĩ tới đó, lòng ông Hai đã nghẹn đắng lại. Tình yêu quê hương và tình yêu tổ quốc xung đột dữ dội trong lòng ông. Một ý nghĩ tiêu cực thoáng qua trong đầu: Hay là quay về làng. Nhưng rồi ông cảm thấy “rợn cả người”. Ông đã từng nhớ làng da diết, từng ao ước được trở về làng. Nhưng “vừa chớm nghĩ, lập tức ông lão phản đối ngay” bởi vì “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”. Cuối cùng ông đã quyết định: “không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Như vậy,tình yêu làng dẫu có thiết tha, mãnh liệt đến đâu, cũng không thể mạnh hơn tình yêu đất nước. 
- Chuẩn mực cho tình yêu và niềm tự hào về quê hương, đối với ông Hai lúc bấy giờ là cuộc kháng chiến. Tuy đau xót tưởng chừng bế tắc nhưng trong cõi thẳm sâu của tấm lòng, người nông dân ấy vẫn hướng về kháng chiến, vẫn tin ở những điều tốt đẹp, cố giữ cho tâm hồn không vẩn đục, để đón đợi một điều gì đỡ đau đớn, tuyệt vọng hơn. 
+ Khi tâm sự với đứa con nhỏ còn rất ngây thơ, nghe con nói: “Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh”, nước mắt ông Hai cứ giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má, giọng ông như nghẹn lại: “ừ đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ?”. Phải chăng, trong tâm hồn người nông dân chất phác ấy vẫn không phút nào nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương, yêu quê hương và nỗi đau đớn khi nghe tin quê hương rời xa công việc chiến đấu chung của đất nước bấy giờ? Tâm sự với đứa con, ông Hai muốn bảo con nhớ câu “nhà ta ở làng chợ Dầu”. Đồng thời ông nhắc con- cũng là tự nhắc mình “ủng hộ cụ Hồ Chí Minh”. Tấm lòng thuỷ chung với kháng chiến, với cách mạng thật sâu nặng, bền vững và thiêng liêng: “Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ đám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ đám đơn sai”. 
Luận điểm 3: Tình yêu làng, yêu nước của ông Hai khi nghe tin làng kháng chiến (Niềm vui của ông Hai khi tin đồn được cải chính):
- Đến khi biết đích xác làng Dầu yêu quý của ông không phải là làng Việt gian, nỗi vui mừng của ông Hai thật là vô bờ bến: “Ông cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người”, mặt ông “tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”. Đối với người nông dân, căn nhà là cơ nghiệp của cả một cuộc đời, vậy mà ông sung sướng hể hả loan báo cho mọi người biết cái tin “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ” một cách tự hào như một niềm hạnh phúc thực sự của mình. Đó là nỗi lòng sung sướng trào ra hồn nhiên như không thể kìm nén được của người dân quê khi được biết làng mình là làng yêu nước dẫu cho nhà mình bị giặc đốt. Tình yêu làng của ông Hai thật là sâu sắc và cảm động.
- So với lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao trước cách mạng tháng Tám, rõ ràng ta thấy ông Hai có những điểm tiến bộ vượt bậc trong nhận thức, tâm hồn, tình cảm và tính cách. Đó chính là nhờ vào đường lối giác ngộ cách mạng của Đảng, Bác Hồ mà học có được. Lão Hạc và ông Hai có những điểm tính cách khác nhau nhưng họ vẫn có những phẩm chất của những người nông dân giống nhau, đều hiền lành, chất phác, lương thiện. Khi cách mạng tháng Tám thành công đã đem đến sự đổi đời cho mỗi người nông dân. Từ một thân phận nô lệ phụ thuộc họ trở thành một người tự do làm chủ cuộc đời, làm chủ đất nước. Từ đó đã củng cố và làm nền tảng vững chắc cho tình yêu quê hương, đất nước, trở thành một tình cảm vững bền, thiêng liêng sâu nặng, nồng cháy. => Trong hoàn cảnh toàn dân đang hướng tới cuộc kháng chiến chống pháp, bảo vệ độc lập dân tộc, ông Hai đã biết đặt tình yêu đất nước lên trên tình yêu cá nhân của mình với làng chợ Dầu, ông dành tất cả cho cách mạng. Đó chính là nét đẹp trong con người ông Hai nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung.
- Văn hào I li a, E ren bua có nói: ” Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu đồng quê trở nên lòng yêu tổ quốc. Ông Hai đúng là một con người như thế. Niềm vui, nỗi buồn của ông đều gắn bó với làng. Lòng yêu làng của ông chính là cội nguồn của lòng yêu nước.
Luận điểm 4: Nghệ thuật xây dựng nhân vật ông Hai
- Nhà văn Kim Lân đã khá thành công khi xây dựng nhân vật ông Hai, một lão nông cần cù, chất phác, yêu mến, gắn bó với làng quê như máu thịt.
+ Nhà văn đã chọn được một tình huống khá độc đáo là sự thử thách bên trong bộc lộ chiều sâu tâm trạng. 
+ Tâm lý nhân vật được nhà văn miêu tả cụ thể, gợi cảm qua các diễn biến nội tâm, qua các ý nghĩ, cảm giác, hành vi, ngôn ngữ. Đặc biệt là nhà văn đã diễn tả đúng và gây được ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật. 
+ Tâm trạng : Khi nghe tin làng theo giặc thì bị dằn vặt, đau khổ : “Đã ba bốn hôm nay, ông Hai không bước chân ra đến ngoài, cả đến bên bác Thứ ông cũng không dám sang. Suốt ngày ông chỉ quanh quẩn trong cái gian nhà chật chội ấy mà nghe ngóng.  thôi lại chuyện ấy rồi”. Khi tin đồn được cải chính thì “cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”.
+ Miêu tả đúng các “phản ứng” bằng hành động của một người nông dân hiền lành, chất phác và chưa đọc thông, viết thạo : Khi muốn biết tin tức thì : “ông cứ đứng vờ vờ xem tranh ảnh chờ người khác đọc rồi nghe lỏm”. Khi nghe tin làng theo giặc thì “ông Hai cứ cúi gằm mặt xuống mà đi” rồi “nắm chặt hai bàn tay mà rít lên : “chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Khi tin đồn được cải chính thì “ông lão cứ múa tay lên mà khoe cái tin đồn ấy với mọi người. 
+ Ngoài ra còn phải kể đến các hành động, lời nói, suy nghĩ của nhân vật ông Hai trong mối quan hệ với các nhân vật khác như : Bà Hai, các con, mụ chủ nhà.
+ Các hình thức trần thuật (đối thoại, độc thoại.) 
Luận điểm 5: Tình yêu nước của nhân dân ta trong thời đại ngày nay.
- Tiếp tục phát huy truyền thống yêu làng hòa quyện trong tình yêu nước của quá khứ; Ra sức xây dựng làng quê, đát nước ngày càng giàu mạnh bằng những việc làm cụ thể thiết thực (Xây dựng nông thôn mới; bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ)
- Bên cạnh đó chúng ta mạnh mẽ phê phán biểu hiện tình yêu làng, yêu nước mù quáng, làm theo khẩu hiệu, ngăn cấm người ngoài vào làng 
- Với bản thân em, để phát huy truyền thống yêu làng, yêu nước, trước hết em phải cố gắng học tập rèn đức luyện tài, lĩnh hội tri thức góp phần nhỏ bé của mình xây dựng quê hương đất nước. Mỗi người tuy nhỏ bé thật nhưng “Lên đường - Không bao giờ nhỏ bé được” như nhà thơ Y Phương đã căn dặn có như thế ta mới làm giàu thêm, mạnh thêm cho quê hương đất nước.; Đặc biệt phải trau dồi kiến thức để ứng phó kịp thời trước âm mưu của kẻ thù
* Khái quát vấn đề nghị luận.
- Sức hấp dẫn của hình tượng nhân vật ông Hai.
- Thành công của nhà văn khi xây dựng nhân vật ông Hai.
Qua truyện ngắn “Làng”, tác giả đã khắc hoạ thành công hình tượng một người nông dân yêu làng, yêu nước hồn nhiên chất phác nhưng xúc động. Hình tượng nhân vật ông Hai vừa phản ánh chân thực những nếp cảm, nếp nghĩ của người nông dân Việt Nam trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, vừa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với nhiều thế hệ bạn đọc. Qua truyện ngắn này, ta có thể hiểu được một cách sâu sắc thêm về hình ảnh những người dân kháng chiến Việt Nam với tình yêu quê hương đất nước.
3. Cho điểm 
*Các tiêu chí Nội dung (7,5 điểm)
- Mức tối đa (7,5 điểm) Hs đạt được các nội dung cơ bản trên.
- Mức chưa tối đa (4,0 – 7,0 điểm): Hs đạt được 60 - 80% các yêu cầu trên. 
- Mức chưa tối đa (1,0 – 3,75 điểm): Hs đạt được 20 - 50% các yêu cầu trên. 
- Mức không đạt (dưới 1 điểm): Học sinh chưa thể hiện được các yêu cầu trên hoặc không làm bài.
	*Các tiêu chí Hình thức (0,5 điểm)
- Mức tối đa (0,5 điểm): HS viết đầy đủ bố cục, sắp xếp hợp lí, chữ viết rõ ràng, trình bày khoa học. Thể hiện sự tìm tòi trong diễn đạt, dùng đa dạng các kiểu câu phù hợp với mục đích trình bày. Sử dụng từ ngữ có chọn lọc
- Mức chưa tối đa (0,25 điểm): Hs đạt được ½ các yêu cầu trên. Hoặc học sinh thể hiện sự cố gắng trong việc thực hiện một trong các yêu cầu trên nhưng kết quả đạt chưa tốt, lời văn cảm xúc còn nghèo nàn. 
- Mức không đạt (0 điểm): Các trường hợp còn lại.
--------Hết--------
PHẦN KÝ XÁC NHẬN:
TÊN FILE ĐỀ THI: V-02-HSG9-16- PG7 
MÃ ĐỀ THI (DO SỞ GD&ĐT GHI):..
TỔNG SỐ TRANG (ĐỀ THI VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM) LÀ: 08 TRANG.
NGƯỜI RA ĐỀ THI
(Họ tên, chữ ký)
LÊ HỒNG PHONG
NGƯỜI THẨM ĐỊNH VÀ PHẢN BIỆN
(Họ tên, chữ ký)
PHẠM THỊ PHƯỢNG
XÁC NHẬN CỦA BGH
(Họ tên, chữ ký, đóng dấu)
TRẦN MẠNH HÙNG

File đính kèm:

  • docde_thi_hoc_sinh_gioi_ngu_van_lop_9_file_de_v02_pg7_nam_hoc_2.doc