Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn Khối 9 - Mã đề: V02.PG7 - Năm học 2018-2019 (Có đáp án)
Đọc kĩ đoạn văn sau rồi thực hiện các yêu cầu bên dưới:
[ ] Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ, các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc. Ở các thời ấy, bắc, nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Đinh tới đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia [ ]
(Hoàng lê nhất thống chí-Ngô gia văn phái,
Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr.66)
Câu 1. Nhân vật nói lời ấy là ai, nói với ai? Em hãy nêu nét đẹp của nhân vật qua đoạn trích trên.
Câu 2. Câu văn “Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định điều gì? Hãy ghi lại một số câu thơ, câu văn trong các văn bản mà em đã được học cũng có nội dung khẳng định như vậy?
Câu 3. Xác định những phép liên kết cơ bản trong đoạn trích trên. (Chỉ ra từ ngữ liên kết và gọi tên các phép liên kết ấy).
Câu 4.Tìm và phân tích giá trị của các biện pháp tu từ trong đoạn trích trên?
Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn Khối 9 - Mã đề: V02.PG7 - Năm học 2018-2019 (Có đáp án)
MÃ KÍ HIỆU . ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS CẤP TỈNH Năm học 2018-2019 MÔN: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề) (Đề thi gồm 06 câu, 01 trang) Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm) Đọc kĩ đoạn văn sau rồi thực hiện các yêu cầu bên dưới: [] Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ, các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc. Ở các thời ấy, bắc, nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Đinh tới đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia [] (Hoàng lê nhất thống chí-Ngô gia văn phái, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr.66) Câu 1. Nhân vật nói lời ấy là ai, nói với ai? Em hãy nêu nét đẹp của nhân vật qua đoạn trích trên. Câu 2. Câu văn “Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định điều gì? Hãy ghi lại một số câu thơ, câu văn trong các văn bản mà em đã được học cũng có nội dung khẳng định như vậy? Câu 3. Xác định những phép liên kết cơ bản trong đoạn trích trên. (Chỉ ra từ ngữ liên kết và gọi tên các phép liên kết ấy). Câu 4.Tìm và phân tích giá trị của các biện pháp tu từ trong đoạn trích trên? Phần II. Tạo lập văn bản (14 điểm) Câu 1: (6,0 điểm) Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi: Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ của nó: – “Mẹ ơi! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế? Thật mệt chết đi được!” – “Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh” –Ốc sên mẹ nói. – “Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?” – “Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy”. – “Nhưng em giun đất cũng không có xương, cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hoá được, tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?” – “Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy”. Ốc sên con bật khóc, nói: “Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo vệ chúng ta, lòng đất cũng chẳng che chở chúng ta”. – “Vì vậy mà chúng ta có cái bình!” – Ốc sên mẹ an ủi con – “Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta dựa vào chính mình con ạ”. (Trích “quà tặng cuộc sống”- NXB Trẻ) Viết một đoạn văn (không quá một trang giấy thi) trình bày quan điểm mà em rút ra từ ngữ liệu trên. Câu 2: (8,0 điểm) “Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp” Hãy khám phá “xứ sở của cái đẹp” qua văn bản Lặng lẽ Sa Pa ------------HẾT------------ MÃ KÍ HIỆU . HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS Năm học 2018-2019 MÔN: NGỮ VĂN (Hướng dẫn chấm gồm 05 trang) Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm) Câu 1. (1,5 điểm) - Nhân vật nói lời ấy là Quang Trung – Nguyễn Huệ (0,25 điểm); ông nói với quân lính của mình (0,25 điểm). - Nét đẹp của nhân vật qua đoạn trích ấy: (1,0 điểm) + Niềm tự hào về cương vực, lãnh thổ, chủ quyền đất nước. + Niềm tự hào về truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm. + Bộc lộ lòng căm thù giặc. + Lòng yêu nước nồng nàn. Câu 2.(1,0 điểm) - Khẳng định chủ quyền lãnh thổ (0,25 điểm), kín đáo bộc lộ niềm tự hào về chủ quyền của đất nước và sự bình đẳng giữa phương Nam và phương Bắc. (0,25 điểm) - Nó gợi nhớ tới: + Sông núi nước Nam vua Nam ở Vằng vặc sách trời chia xứ sở (0,25 điểm) (Sông núi nước Nam – Lý Thường Kiệt) [Hoặc học sinh chép bài phiên âm: Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư (Nam quốc sơn hà – Lý Thường Kiệt)] + Như nước Đại Việt ta từ trước Vốn xưng nền văn hiến đã lâu Núi sông bờ cõi đã chia Phong tục Bắc Nam cũng khác Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập, Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương (0,25 điểm) (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi) Câu 3.(1,0 điểm) Các phép liên kết cơ bản: - Phép lặp: (0,5 điểm) + phương Bắc (câu 4) – phương Bắc (câu 2) – phương Bắc (câu 1) + nước ta (câu 3) – nước ta (câu 2) + chúng (câu 4) – chúng (câu 3) - Phép thế: (0,5 điểm) chúng (câu 4, câu 3) – người phương Bắc (câu 2) Câu 4. (2,5 điểm) - Biện pháp tu từ liệt kê: Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ. (0,5 điểm) + Giá trị của các biện pháp tu từ: Tác giả sử dụn biện pháp liệt kê để kể tên các vị vua đồng thời là những người anh hùng kiệt xuất của dân tộc tương ứng với các triều đại phong kiến Trung Quốc. Điều đó khẳng định vị thế bình đẳng và lòng tự hào, tự tôn dân tộc. (0,75 điểm) - Biện pháp so sánh: Dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia (0,5 điểm) + Giá trị của các biện pháp tu từ: Tác giả sử dụng biện pháp tu từ so sánh có tác dụng nhấn mạnh vai trò to lớn của nhà Đinh đã xây dựng được nền độc lập, xây dựng được nhà nước phong kiến đầu tiên ở Việt Nam khiến cho nhân dân ta đỡ khổ hơn thời kì đất nước ta bị phong kiến Trung Quốc xâm lược.(0,75 điểm) Phần II. Tạo lập văn bản Câu 1( 6,0 điểm) 1.Yêu cầu về kĩ năng - Thí sinh viết được bài văn nghị luận xã hội với bố cục hoàn chỉnh đúng theo yêu cầu của đề. - Biết kết hợp các thao tác nghị luận trong quá trình làm bài: Phân tích, chứng minh, bình luận - Diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả. 2.Yêu cầu kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ các ý chính sau đây: * Dẫn dắt, giới thiệu cuộc trò chuyện của mẹ con ốc sên -Nêu vấn đề nghị luận :Hãy dựa vào chính mình * Phân tích câu chuyện + Tóm tắt ngắn gọn câu chuyện +Nêu ý nghĩa câu chuyện : Ý nghĩa nội dung câu chuyện: - Câu chuyện hai mẹ con ốc sên là ẩn dụ về con người trong cuộc sống. Trong cuộc sống, có những người, có những lúc may mắn được nương dựa, chở che, bảo vệ Trong sự thắc mắc của ốc sên con thì sâu róm và giun đất chính là hình ảnh để nói về cái thời khắc may mắn đó của con người. - Nhưng có phải con người lúc nào cũng gặp được may mắn như thế. Điều quan trọng là con người biết chấp nhận hoàn cảnh, vươn lên, dựa vào nội lực của chính mình. Đó vừa là quy luật tất yếu vừa là một yêu cầu đối với con người trong cuộc sống. Bàn luận về ý nghĩa câu chuyện : - Con người không bao giờ tồn tại một cách đơn lẻ mà bao giờ cũng gắn mình với môi trường tự nhiên, xã hội. Và trong môi trường sinh tồn ấy, con người được cưu mang, che chở. - Mặt khác, mỗi con người cũng là một cá thể độc lập, đơn nhất. Nó tồn tại, phát triển bằng chính sự nỗ lực nội sinh của mình. Đó chính là cái đảm bảo lâu dài, bền vững và quan trong hơn cả. - Vì sao phải dựa vào chính mình? + Trong cuộc sống, sự giúp đỡ luôn đáng quý và cần thiết. Nhưng chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ sẽ khiến cho con người mất đi cơ hội để rèn luyện, trưởng thành, thiếu đi kỹ năng sống và hậu quả là thói quen sống dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, yếu đuối, không có nghị lực để vươn lên. Vậy nên, sự nỗ lực, cố gắng tự vượt qua khó khăn sẽ giúp ta có thêm sức mạnh, kinh nghiệm và cơ hội đạt đến thành công. + Con người là cá thể độc lập, nó phải tồn tại, phát triển bằng chính nguồn nội lực của nó thì mới là sự tồn tại và phát triển lâu dài, bền vững. Đó cũng chính là một biểu hiện của nhu cầu tự khẳng định mình ở mỗi con người. - Chứng minh qua những câu chuyện, những con người trong cuộc sống - Phê phán những con người sống dựa dẫm, phụ thuộc vào hoàn cảnh, không nỗ lực, phấn đấu, sống bi quan Bài học nhận thức và hành động: - Con người phải tự dựa vào chính mình để tồn tại, phát triển, chứ không được ỷ lại, dựa dẫm; để dựa vào chính mình con người cần phải có ý thức, khát vọng, nỗ lực không mệt mỏi; cũng cần phải biết hài hòa giữa cá nhân và xã hội, biết tự trọng, tự tôn nhưng không tự mãn. Liên hệ thực tế, bản thân - Có thể khẳng định ý nghĩa câu chuyện, nêu cảm xúc cá nhân, hoặc gợi mở cho người đọc tiếp tục suy nghĩ 3. Cho điểm: * Các tiêu chí nội dung(5,5 điểm) - Mức tối đa (5,5 điểm) Học sinh đạt được các nội dung cơ bản trên. - Mức chưa tối đa(3,0-5,0 điểm) Học sinh đạt được 60-80% các yêu cầu trên. - Mức chưa tối đa(1,0-2,75 điểm) Học sinh đạt được 20-50% các yêu cầu trên. - Mức không đạt (dưới 1,0 điểm) Học sinh chưa thể hiện được các yêu cầu trên hoặc không làm bài. * Các tiêu chí hình thức: (0,5 điểm) - Mức tối đa (0,5 điểm) Học sinh viết đầy đủ bố cụ, sắp xếp hợp lí, chữ viết rõ ràng, trình bày khoa học. Thể hiện sự tìm tòi trong diễn đạt, dùng đã dạng các kiểu câu phù hợp với mục đích trình bày. Sử dụng từ ngữ có chọn lọc. - Mức chưa tối đa (0,25 điểm) Học sinh đạt được 1/2 các yêu cầu trên. Hoặc học sinh thể hiện sự cố gắng trong việc thực hiện một trong các yêu cầu trên nhưng kết quả đạt chưa tốt, lời văn còn nghèo nàn. - Mức không đạt (0 điểm) Các trường hợp còn lại. Câu 2: (8,0 điểm) 1.Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài. Đảm bảo là một văn bản nghị luận văn học có bố cục 3 phần rõ ràng, kết cấu chặt chẽ. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc quá năm lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả. 2.Yêu cầu về kiến thức: Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cơ bản đáp ứng được những nội dung sau: 2.1 Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận. + Trích dẫn ý kiến. 2.2. Giải thích khái quát vấn đề . - Nhà văn chân chính là nhà văn luôn đặt mục đích sáng tác vào con người và cuộc sống. Đem ngòi bút của mình phục vụ đời sống và có ích cho con người. - Xứ sở của cái đẹp trong tác phẩm văn học được thể hiện ở hai phương diện nội dung và hình thức. + Vẻ đẹp nội dung là vẻ đẹp của tự nhiên và con người trong lao động, chiến đấu, các lĩnh vực khác mà nhà văn mang tới cho người đọc. + Vẻ đẹp hình thức là khả năng xây dựng được những hình tượng nghệ thuật sinh động, độc đáo, hấp dẫn. Là khả năng kết cấu chặt chẽ, tình huống hợp lí và khả năng sử dụng ngôn từ điêu luyện... => Nội dung, hình thức đẹp không chỉ đem lại cho người đọc những rung cảm thẩm mĩ mà còn làm cho con người yêu cuộc sống, khao khát hướng tới những gì đẹp đẽ tốt lành cho cuộc đời. + Để người đọc cảm nhận được xứ sở của cái đẹp đó thì nhà văn chân chính là người dẫn đường cho người đọc khám phá cảm nhận. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của nhà văn. 2.3. Chứng minh qua văn bản “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long - Xứ sở của cái đẹp trong Lặng lẽ Sa Pa được thể hiện ở trước hết ở phương diện nội dung : + Xứ sở của cái đẹp, của thiên nhiên ở Sa Pa : Đó là bức tranh thiên nhiên núi rừng rộng lớn vùng Tây Bắc được miêu tả từ xa đến gần, từ bầu trời đến mặt đất. Xa xa núi cao, thác đổ trắng xóa, đường núi quanh co uốn lượn, cây cối rậm rạp, những đàn bò đủng đỉnh ăn cỏ trong những thung lũng ven đường, nắng len tới đốt cháy rừng cây, ... mây bị nắng xua đi cuộn tròn... Những vòm lá ướt sương... (Lấy dẫn chứng, phân tích). Đến gần là vườn hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, hồng phấn, tổ ong với đủ màu sắc rực rỡ do bàn tay của con người tạo ra ... Tất cả làm nên một bức tranh thiên nhiên đẹp kì lạ, hấp dẫn gợi ra cho ta bao liên tưởng và khao khát về vùng đất thơ mộng. + Xứ sở của cái đẹp trong Lặng lẽ Sa Pa còn được thể hiện ở vẻ đẹp hấp dẫn của con người: nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m. Anh đã vượt qua khó khăn của hoàn cảnh, thời tiết khắc nghiệt và sự buồn chán cô đơn của bản thân để tạo cho mình một cuộc sống có ý nghĩa. Sức hấp dẫn của nhân vật anh thanh niên chính là vẻ đẹp của tâm hồn và lí tưởng sống. Những suy nghĩ, việc làm và hành động, tình cảm của anh khiến người ta cảm phục noi theo và thêm tin yêu cuộc sống. (Lấy dẫn chứng, phân tích). Ngoài ra, sức hấp dẫn của con người Sa Pa còn là những nhân vật vô danh như ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét, .... Tất cả đã tạo nên xứ sở của cái đẹp là sự cống hiến âm thầm và lặng lẽ hết mình cho đất nước. - Xứ sở của cái đẹp trong Lặng lẽ Sa Pa không chỉ đẹp về nội dung mà còn đẹp về nghệ thuật, được thể hiện : + Nhan đề Lặng lẽ Sa Pa thấm đẫm chất thơ. + Cốt truyện, tình huống giản đơn, chỉ là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa các nhân vật (bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư, anh thanh niên) nhưng nhà văn đã dựng lên mối quan hệ chung - riêng thật đẹp . + Hệ thống ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, chất tạo hình, âm điệu nhẹ nhàng, êm ái, giàu chất thơ. + Ngôn ngữ chắp cánh những vần thơ, nâng tâm hồn người đọc vươn tới những cảm xúc sâu xa, thấm thía. 2.4. Đánh giá chung: - Cái đẹp trong tác phẩm văn học đa dạng, phong phú được khơi nguồn kết tinh từ cuộc sống. - Đời sống tự nhiên ấy được khúc xạ qua ánh sáng, cảm quan, quá trình lao động cực nhọc, sáng tạo, mê say của nhà văn để có được sức hấp dẫn, những giá trị đẹp của con người, làm cho con người sống tốt hơn. - Yêu cái đẹp của văn chương là chúng ta yêu tấm lòng của nhà văn. Họ là những kĩ sư tâm hồn đốt cháy mình để có được ánh sáng, niềm vui dẫn ta đến bến bờ xứ sở của cái đẹp trong cuộc sống. 3. Cho điểm: * Các tiêu chí nội dung(7,5 điểm) - Mức tối đa (7,5 điểm) Học sinh đạt được các nội dung cơ bản trên. - Mức chưa tối đa(4,0-7,0 điểm) Học sinh đạt được 60-80% các yêu cầu trên. - Mức chưa tối đa(1,0-3,75 điểm) Học sinh đạt được 20-50% các yêu cầu trên. - Mức không đạt (dưới 1,0 điểm) Học sinh chưa thể hiện được các yêu cầu trên hoặc không làm bài. * Các tiêu chí hình thức: (0,5 điểm) - Mức tối đa (0,5 điểm) Học sinh viết đầy đủ bố cụ, sắp xếp hợp lí, chữ viết rõ ràng, trình bày khoa học. Thể hiện sự tìm tòi trong diễn đạt, dùng đã dạng các kiểu câu phù hợp với mục đích trình bày. Sử dụng từ ngữ có chọn lọc. - Mức chưa tối đa (0,25 điểm) Học sinh đạt được1/2 yêu cầu trên. Hoặc học sinh thể hiện sự cố gắng trong việc thực hiện một trong các yêu cầu trên nhưng kết quả đạt chưa tốt, lời văn còn nghèo nàn. - Mức không đạt (0 điểm) Các trường hợp còn lại. Lưu ý: - Trên đây chỉ là những định hướng về những nội dung chính cơ bản. Học sinh có thể có những cách diễn đạt khác nhau nhưng phải hợp lí và đảm bảo được các ý trên. Trong quá trình chấm, giám khảo có thể linh hoạt, khuyến khích những bài viết có tính sáng tạo, suy nghĩ sâu sắc, văn viết có cảm xúc. ------------HẾT------------ PHẦN KÝ XÁC NHẬN: TÊN FILE ĐỀ THI: V-02-HSG9-18-PG7.DOC MÃ ĐỀ THI (DO SỞ GD&ĐT GHI):.. TỔNG SỐ TRANG (GỒM ĐỀ THI VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM) LÀ: 06 TRANG NGƯỜI RA ĐỀ THI (Họ và tên, chữ ký) Phạm Thị Phượng NGƯỜI THẨM ĐỊNH VÀ PHẢN BIỆN CỦA TRƯỜNG (Họ và tên, chữ ký) Lê Hồng Phong XÁC NHẬN CỦA BGH (Họ và tên, chữ ký, đóng dấu)
File đính kèm:
- de_thi_chon_hoc_sinh_gioi_ngu_van_khoi_9_ma_de_v02_pg7_nam_h.doc